Đau tinh hoàn, cần đi khám!
Theo tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội, giãn tính mạch tinh là tình trạng giãn hệ thống tĩnh mạch tinh, bao gồm: tĩnh mạch tinh trong, tĩnh mạch tinh sau và tĩnh mạch tinh bìu. Do hệ thống van tĩnh mạch bị khiếm khuyết, máu tĩnh mạch không đi từ tinh hoàn xuống ổ bụng như thông thường mà chảy ngược từ ổ bụng vào bìu làm môi trường phát triển của tinh trùng rối loạn, tinh hoàn do đó bị tổn thương, bên tinh hoàn bị bệnh nhỏ đi.
|
Biểu hiện lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh, đó là đau tức tại tinh hoàn, nhưng không thể xác định đau ở vị trí nào cụ thể. Những khi cơ thể mệt mỏi do làm việc quá sức hay thời tiết nóng nực..., tinh hoàn bị bệnh đau nhiều hơn. Quan sát có thể thấy bên tinh hoàn bị bệnh nhỏ hơn so với bên bình thường. Nhiều bệnh nhân khi đứng, khối tĩnh mạch ở bìu bị giãn trông như túi giun, khi nằm có cảm giác bẹp xuống. Tùy theo tình trạng bệnh mà ta có thể nhận biết được bệnh khi sờ hay thậm chí chỉ nhìn cũng thấy tĩnh mạch tinh giãn nổi ở dưới da.
Điều trị kịp thời vẫn có thể sinh con tự nhiên
Cũng theo tiến sĩ Vệ, chứng bệnh này có thể khiến nhiệt độ tinh hoàn tăng, máu tĩnh mạch ứ đọng, máu động mạch nuôi tinh hoàn giảm, rối loạn nội tiết tại tinh hoàn sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất cũng như chất lượng của tinh trùng. Nhiều bệnh nhân trong tinh dịch không có tinh trùng, dẫn đến vô sinh. Ngoài ảnh hưởng tới sinh sản, tĩnh mạch tinh còn gây rối loạn sinh lý tình dục của bệnh nhân.
Tiến sĩ Vệ cho biết: “Bệnh tiến triển âm thầm và ngày càng nặng theo thời gian”. Nếu để quá lâu, bệnh nặng hay bệnh nhân đã cao tuổi, bệnh sẽ khó phục hồi, thậm chí không thể chữa khỏi. Với những bệnh nhân điều trị kịp thời, tinh trùng có thể sản xuất bình thường, khả năng sinh con tự nhiên rất cao.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh tùy theo mức độ bệnh, trong đó hiệu quả nhất vẫn là phương pháp phẫu thuật.
Minh Ngọc
Bình luận (0)