Gian truân đời công nhân - Kỳ 4: Khó nói chuyện chồng con

05/11/2011 01:20 GMT+7

Lo mưu sinh, thiếu nơi ở và bao nỗi lo toan khác trong cuộc sống, nhiều công nhân trẻ xa xứ chưa dám nghĩ đến chuyện chồng con. Gian truân đời công nhân - Kỳ 3: Nỗi niềm gửi trẻ

 

Chỗ ngủ của con một gia đình công nhân - Ảnh: Đình Phú 

Bộn bề khó khăn

Khu nhà trọ công nhân (CN) ở số 207/51/11/11 Hồ Ngọc Lãm, KP.2, P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) thấp trũng so với mặt đường bên ngoài và những ngôi nhà của người dân xung quanh. Mỗi căn phòng chỉ rộng chừng 9m2. Bên trong hầu như chẳng có giường tủ gì nên những bộ áo quần nhàu nhĩ được móc tứ tung. Hơi nóng phả xuống hầm hập từ mái tôn chỉ cao hơn tầm tay với.

Thiếu quan tâm

Sau 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở cho CN, lao động các KCN, các địa phương trên cả nước đã đăng ký 110 dự án (giai đoạn 2010-2015), nhưng chỉ có 25 dự án được khởi công với tiến độ khá chậm; hiện mới có 9 dự án hoàn thành. Dự kiến đến năm 2015 cả nước sẽ có gần 4 triệu lao động, trong đó có 2,65 triệu người có nhu cầu về nhà ở với tổng diện tích hơn 21 triệu m2. Nhu cầu nhà ở của CN ngày càng lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến CN thiếu hụt nhà ở là do DN sử dụng lao động thiếu quan tâm, trong khi các DN bất động sản thì chỉ lo kinh doanh nhà thương mại.

Khánh An

Cả khu nhà trọ hàng chục gia đình CN quê ở Cà Mau, Tiền Giang, Đồng Tháp, Nghệ An… chen chúc nhau sống cùng con cái hết sức bất tiện vì chỉ có một nhà vệ sinh dùng chung. Nỗi ám ảnh lớn nhất của khu nhà trọ này là ngập nước. Cửa chính bước vào phòng nào cũng được xây vách ngăn nhưng mỗi khi trời mưa hoặc triều cường, nước vẫn tràn vào phòng.

 

Chị Thu, 36 tuổi, CN may mặc, thuê trọ cùng chồng làm nghề thợ hồ ở đây đã được mấy năm. Điều kiện sống quá tạm bợ, chị đã gửi 2 con trai về quê ngoại ở Càng Long (Trà Vinh). Chị kể: “Nhiều khi tăng ca về muộn, trời mưa thì từ ngoài hẻm vào phòng trọ lội nước đến tận đầu gối, đồ đạc ướt sũng hết. Chưa kịp ăn uống gì đã phải lo hì hục dùng thau tát nước. Nếu khô ráo kịp thì trải bạt ra ngủ, còn không thì ngồi co ro thức suốt đêm. Phòng nào cũng vậy nên không ngủ nhờ ai được”.

Ở đây một vài gia đình có con nhỏ đã làm một cái gác ở góc tường để “chiến đấu” với cảnh ngập nước. Nói là gác chứ thực ra chỉ có vài ba thanh gỗ kê ngang rồi lót ván phế thải. Khi nào nước ngập thì bắc thang gỗ đưa con lên đó trú tạm. “Tiền nào của ấy thôi anh ơi. Lương của CN ở đây chỉ đủ đi chợ qua ngày và trả tiền phòng trọ này giá bèo chỉ 500.000 đồng/tháng. Nếu thuê chỗ khác rộng rãi hơn phải trả gấp đôi, gấp rưỡi thì còn đâu tiết kiệm để gửi về quê cho ông bà nuôi con”, chị Thu tâm sự. Nhìn thấy nhiều nữ CN tại khu nhà trọ vẫn sống đơn chiếc, như hiểu ý chúng tôi, chị Thu cười: "CN nghèo ai mà thèm. Vả lại đứa nào cũng lo tăng ca, ky cóp từng đồng gửi về quê lo cho gia đình nên chưa dám nghĩ đến chuyện chồng con".

Tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), chúng tôi đã gặp một nữ CN tên Châu, quê Cà Mau. Vì thu nhập bấp bênh, Châu đã từng “nhảy việc” ở nhiều doanh nghiệp khác nhau. Sự vất vả dường như đã quen nên DN nào tăng ca nhiều, có thêm phụ cấp là Châu xin chuyển vào làm. Tuy đã gần 30 tuổi nhưng Châu vẫn đơn chiếc. “Trăm bề khó khăn, chỗ ở không có nên chuyện chồng con giờ khó nói lắm. Em đã sống ở nhiều khu trọ CN khác nhau, thấy gia đình nào cũng khổ. Con cái vất vưởng tội nghiệp nên em không dám nghĩ đến cưới xin gì cả. Cứ làm được ngày nào hay ngày đó, hy vọng có lúc tiết kiệm được ít tiền thì về quê cưới chồng rồi ở hẳn dưới đó luôn, mà giờ ở đây chi phí sinh hoạt đắt đỏ như vậy thì chẳng thể dư đồng nào được”.

Theo một khảo sát mới đây của Thành ủy TP.HCM về thực trạng đời sống người lao động tại các KCN, hơn 66% CN bày tỏ thái độ lo lắng vì việc làm không ổn định, lương thấp, giá cả các mặt hàng tăng cao; tình trạng sống thiếu định hướng cũng ở mức phổ biến với tỷ lệ hơn 61%.

Thiếu chỗ ở trầm trọng

Cả nước hiện có hơn 1 triệu người đang làm việc tại các KCX, KCN có nhu cầu về nhà ở, nhưng chỉ có khoảng từ 7 - 10% được ở trong các khu nhà lưu trú do nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc do DN xây dựng. Đại đa số phải thuê phòng trọ tư nhân không đạt chuẩn và không đảm bảo những điều kiện sống tối thiểu với diện tích bình quân mỗi CN ở chỉ từ 2 - 3m2. Thông tin đưa ra tại hội thảo quốc gia về nhà ở CN do Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tổ chức tại tỉnh Bình Dương mới đây khiến không ít người xót xa.

Riêng tại TP.HCM, hiện đã có 6 KCX, KCN (Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước và Vĩnh Lộc) triển khai xây dựng khu lưu trú CN; dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ đáp ứng 12.350 chỗ ở cho CN. Ngoài ra một số công ty: Nissei Electric xây 2 block 5 tầng (1.520 chỗ), Đức Bốn xây 1 block 6 tầng (416 chỗ) và Palace (đang xây 1.012 chỗ)... Nếu căn cứ vào số lao động nhập cư chiếm đến 65% (khoảng 168.000 người) thì chỗ ở trong các nhà lưu trú có thể nói như muối bỏ bể.

Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM cũng đang thực hiện chương trình cho hộ gia đình cá nhân vay xây dựng và sửa chữa nhà trọ cho CN thuê. Song sau nhiều tháng triển khai, chưa có hộ nào được vay vốn. Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý KCX - KCN TP, lý giải: “Nguyên nhân là do lãi suất vay quá cao 16,2% (tương đương với lãi suất ngân hàng thương mại). Bên cạnh đó, yêu cầu về kiến trúc quy hoạch cũng khó thực hiện. Các chủ nhà trọ thường có ít đất nên tận dụng xây hoặc ngăn phòng từ nhà có sẵn để cho thuê, giờ bắt buộc xây mới phải có diện tích cây xanh, khoảng trống trong khu nhà nên hầu hết không có chủ nhà trọ nào đáp ứng được. Hiện các bên liên quan đang kiến nghị điều chỉnh một số chính sách ưu đãi để chương trình triển khai hiệu quả hơn”.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.