Giang hồ Quảng Trị

22/08/2013 11:00 GMT+7

Khoảng 1 năm trở lại đây, những băng đảng giang hồ đã bắt đầu nổi lên ở Quảng Trị. Là tập hợp những kẻ bất hảo, tiền án tiền sự dày cộm, các băng nhóm này là nỗi khiếp sợ của người dân lương thiện với những hoạt động bảo kê, xin đểu, đâm chém...

Khoảng 1 năm trở lại đây, những băng đảng giang hồ đã bắt đầu nổi lên ở Quảng Trị. Là tập hợp những kẻ bất hảo, tiền án tiền sự dày cộm, các băng nhóm này là nỗi khiếp sợ của người dân lương thiện với những hoạt động bảo kê, xin đểu, đâm chém...

Ba năm kể từ khi Long Buri (Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Phú Sĩ Long, từng được xem là tay giang hồ số 1 ở Quảng Trị) cùng đồng phạm ra tòa lãnh án, các băng nhóm mới đã nổi lên. Và những cái tên “lóng” như Quyền “Éc Ke”, Tý “Vện”... cũng bắt đầu nổi tiếng trong giới giang hồ.

Giang hồ Quảng Trị
Quyền “Éc Ke” - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Trị

Xin đểu, bảo kê…

Không phải đến bây giờ dư luận mới biết đến nạn bảo kê, xin đểu ở Quảng Trị mà từ lâu vấn nạn này đã nhức nhối, đặc biệt là trên quốc lộ 9, tuyến đường thông thương xuyên Á. Một mặt hàng rất được các băng nhóm giang hồ quan tâm, ấy chính là gỗ.

Theo thông tin PV Thanh Niên thu thập được từ những người trong giới buôn gỗ, do biết đây là mặt hàng có giá trị cao nên các băng nhóm “chém” rất đẹp. “Chỉ cần xe chở gỗ qua tới VN thì mấy đám chim lợn đã biết. Và hễ xe hạ gỗ tại bãi nào thì đã có một vài thanh niên xăm trổ đầy mình đến xin đểu. Giá mỗi xe 1 triệu đồng, không thương lượng. Thời gỗ đang vượng, có ngày chủ gỗ về vài chục xe nên chúng kiếm tiền khỏe re”, một chủ gỗ nói.

Tại các bãi gỗ cũng luôn xuất hiện đám cửu vạn mặt mày bặm trợn nhưng tất nhiên giá bốc gỗ của đám này cao gấp đôi, gấp ba những cửu vạn bình thường. “Biết là thủ đoạn của chúng cả nhưng đành phải bấm bụng đưa tiền chứ nếu không cho chúng bốc thì không ai dám đụng đến xe gỗ của mình. Chúng phải ăn bằng được 2 lần, vừa xin đểu vừa lấy cả tiền bốc gỗ với giá cắt cổ”, người này nói tiếp.

Những người buôn chuối tại ngã ba Tân Long (H.Hướng Hóa, án ngữ trên quốc lộ 9) cũng không thoát khỏi đám giang hồ xin đểu. “Bảng giá” bất thành văn ở khu vực này là mỗi chủ buôn chuối phải cống nộp cho chúng mỗi tháng 15 triệu đồng, chưa kể giá bốc chuối cắt cổ. Nếu ai chống đối bọn chúng thì y như rằng cả xe tải chuối sẽ nát bét vào sáng hôm sau.

Khoảng chừng 6 tháng gần đây, việc kinh doanh gỗ từ Lào về không còn được thuận lợi như trước. Từ đợt Tết Nguyên đán đến giờ, những đoàn xe chở gỗ “khủng” đã không còn bóng dáng trên quốc lộ 9. Các chủ gỗ gặp khó, đồng nghĩa với những kẻ giang hồ cộng sinh cũng “treo niêu”. “Mùa giáp hạt” của các băng nhóm cũng đến khi mùa chuối Tân Long qua. Và để có vật lực nuôi quân, các “đại ca” đã phải xuống nước “xua quân” đi làm những công việc “hèn mọn” hơn, trấn lột những người ít tiền hơn. Chính cuộc đổ bộ của đám giang hồ này đã làm cho dân chúng ở TP.Đông Hà nhiều phen khiếp đảm.

Giang hồ Quảng Trị
Tý “Vện” - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Trị

Quyền “Éc Ke”, Tý “Vện”

“Khét tiếng” trên quốc lộ 9 là băng nhóm của Quyền “Éc Ke”, tức Vương Khánh Quyền, 42 tuổi, trú P.2, TP.Đông Hà. Theo thông tin từ cơ quan CSĐT (Công an Quảng Trị) cung cấp thì Quyền dù chỉ mới ra trại từ năm 2011 sau 6 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” và “trốn khỏi nơi giam giữ”, nhưng đã sớm thu nạp dưới trướng gần 20 giang hồ có số má. Trong số này có Vương Khánh Long (em ruột Quyền, tức Long “Nghĩa”), Lê Tứ Long (tức Cu “Tứ”), Nguyễn Hà Hoài Hận (tức Cu “Loe”)...

Đám tay chân đa số là con nghiện nên càng dễ bị Quyền điều khiển, sai đâu đánh đó. Riêng Quyền mở một quán karaoke trên đường Nguyễn Du (TP.Đông Hà) và với kinh nghiệm đầy mình, y ít khi xuất hiện trong các cuộc “nói chuyện bằng mã tấu” với các nạn nhân hay với các băng đảng cạnh tranh khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, băng nhóm của Quyền đã cưỡng đoạt của các chủ buôn chuối hàng chục triệu đồng, cưỡng đoạt của một doanh nghiệp trên địa bàn H.Hướng Hóa hơn 60 triệu đồng...

Cũng phải kể đến “đồng nghiệp” nhưng không đội trời chung với Quyền “Éc Ke” là băng nhóm của Tý “Vện”, tức Lê Viết Tý. Tý “Vện” mang một khuôn mặt điển trai nhưng vốn đã có máu giang hồ từ bé. Tuổi choai choai, Tý vào ra đồn công an nhiều lần và mới 29 tuổi, tuy được hàng xóm biết đến là ông chủ tiệm cầm đồ nhưng thực chất dưới trướng của Tý đã có hàng chục đàn em xưng tôn. Băng của Tý “Vện” đa số là 8X nhưng độ liều lĩnh thì không thua các bậc đàn anh trong băng Quyền “Éc Ke”. Trong đó phải kể đến Nguyễn Bá Dương (tức Bom “Đại”), Đặng Hải Sơn (tức Cu “Rin”), Lê Viết Bảo (Bảo “Lùn”)... Thậm chí băng này còn “nặng túi” hơn khi rất “năng nhặt”, hầu như thấy chỗ nào, người nào trấn lột được là trấn.

Tại TP.Đông Hà bé nhỏ này, đám đàn em của Tý đã không bỏ qua một cơ hội nào để “vặt” tiền người khác. Từ những chủ hàng quán ăn nhậu dọc hai bờ sông Hiếu, đến các chủ bãi cát sạn ở khu vực P.2, thậm chí đến những người đi thu mua lông gà, lông vịt đều bị chúng “hỏi thăm”. Chúng ngang nhiên ra giá: đối với quán xá và bãi cát sạn mỗi tháng thu “đồng giá” 2 triệu đồng, đối với chủ thu mua lông gà lông vịt mỗi tháng thu 3 triệu đồng...

Trước sự hung hãn của băng Tý “Vện”, suốt nhiều tháng liền, chưa có một ai dám làm trái, cứ đến ngày là ngoan ngoãn nộp tiền cho chúng. Vì họ sợ phải trả cái giá đắt hơn cũng như biết rằng băng Tý “Vện”... không nói chơi.

Mua sự yên ổn

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tịnh, Đội trưởng đội 4 (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Trị) nhận định rằng tâm lý của hầu hết nạn nhân là lo sợ sự trả thù, còn đối với các chủ gỗ (thường có rất nhiều tiền) nên họ sẵn sàng chi ra một ít tiền cho đám giang hồ để mua sự yên ổn. “Chính những điều này đã vô tình tiếp sức cho các băng đảng lộng hành, làm càn”, thiếu tá Tịnh nói. Trước tình hình này, Công an tỉnh Quảng Trị đã âm thầm lập chuyên án do đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo trực tiếp. Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm cũng đã được tung ra khắp nơi.

(Còn tiếp)

Thanh Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.