Giang tặc miền Tây - Bài 2: "Luật im lặng"

25/02/2009 00:18 GMT+7

Chính những thủ đoạn tinh vi, cộng với những lời hăm dọa sẽ không để cho làm ăn yên ổn nếu đi báo công an, nên nhiều người bị hại đã chấp nhận "luật im lặng". Nghe đọc bài

"Ăn đêm"

Đêm. Nhà của một đàn anh tên Thành bắt đầu nhộn nhịp. Những bóng người lất khất khiêng máy móc đặt vào những chiếc vỏ lãi đợi sẵn dưới sông. Tiếng động cơ thét giòn áp cả một khúc sông rồi lẩn khuất vào bóng đêm lạnh lẽo. Bọn chúng lại bắt đầu một chuyến "ăn đêm".

Vừa quay lưng khỏi nhà giam, Nguyễn Văn Thành (ấp Nghĩa Hiệp, Tân Hưng Đông, Cái Nước, Cà Mau) đón nhận nhiều tin tức "không vui": công an ngày càng trấn áp quyết liệt, nhiều băng nhóm giang tặc bị triệt phá... Sau cuộc gặp gỡ tại quán nhậu Mỹ Hiền, có hai "chiến hữu" đồng ý quảy gói đến nhà Thành ở để bắt đầu những chuyện "làm ăn" mà theo bàn tính thì Thành giữ vai trò "nhà đầu tư" lẫn tiêu thụ hàng chôm. Cụ thể, gã cung cấp vỏ lãi, máy thủy động cơ, xăng và tiền dằn túi để đàn em "tác nghiệp". Cánh đàn em sau khi nhận vỏ lãi, máy, tiền, thì chia nhau rảo khắp các xóm xa gần, thấy vỏ lãi của ai đậu sơ hở chỉ việc cắt khóa rồi đặt máy chạy về. Thành mua lại với giá rẻ, và cấn trừ số tiền mà y đã "đầu tư" trước mỗi chuyến đi. Việc "ăn đêm" trôi chảy đến mức chỉ sau một thời gian, dưới tay Thành đã có hàng loạt cái tên có "tay nghề" trộm cắp khét tiếng. Địa bàn hoạt động của nhóm này dọc theo tuyến sông Bảy Háp và những vùng lân cận.

Những chiếc vỏ lãi được Thành mua và bán ra với giá cực rẻ. Do vậy, chỉ sau một thời gian, danh sách khách hàng của Thành cũng phong phú ở nhiều nơi. Có người đến mua "hàng", Thành nói thẳng rằng đó là "đồ ăn trộm". Trộm ở đâu Thành cũng nói rõ, rồi dặn: "Nếu xui bị chủ nhìn lại thì cứ đưa cho người ta, tôi sẽ bù cho chiếc khác". Cho nên, dù biết là của trộm, nhưng nhiều người ham rẻ, vẫn mua.

Tuy nhiên, để khổ chủ nhìn lại những chiếc vỏ lãi nào là của mình cũng không phải là chuyện đơn giản. Dẫn tôi ra phía sau trụ sở xã, anh Nguyễn Quốc Toản, Công an xã Phú Thuận chỉ hai chiếc vỏ lãi tang vật của những vụ trộm đường sông. Một chiếc có logo của nơi sản xuất, chiếc khác đã bị ai đó xóa vết tích bằng cách cắt bỏ logo, dán vào mảnh composite khác liền trơn. Bằng cách này thì chủ vỏ có gặp lại tài sản của mình cũng không dám nhìn. Anh Toản nói, chỉ tính riêng địa bàn xã Phú Thuận, hằng năm công an thu giữ 30 đến 40 chiếc vỏ lãi như thế. Sau những vụ án, có khi chủ nhân biết đến nhận về, nhưng cũng có những chiếc không thể tìm ra chủ sở hữu do hình dáng vỏ đã thay đổi.

Tiền chuộc và "luật im lặng"

 

Lưới đáy bị thủy tặc cắt trộm được thu giữ

Cũng thủ đoạn tổ chức cho những băng giang tặc đi "làm ăn" rồi mua "hàng" giá rẻ, nhưng tuổi đời, tay nghề và quy mô tổ chức của nhóm Sáu Thà tức Lâm Văn Suôl (ấp Minh Hùng, Nguyễn Huân, Đầm Dơi, Cà Mau) cao tay hơn nhiều. Cho đến ngày bị bắt, đã có 51 người tham gia vào những phi vụ trong đường dây của lão tặc 72 tuổi này, trong đó có 4 người là con và rể của ông. Từng là trưởng công an xã, rồi xã đội trưởng xã Nguyễn Huân, Sáu Thà có nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho những hoạt động phi pháp của mình. Tầm "rà quét" của nhóm này cũng rộng khắp ở 3 huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. "Hàng" mà những nhóm giang tặc này thường để mắt tới là xuồng, máy, lưới đáy… Riêng với miệng lưới đáy, lấy xong, nhóm này thường chấp nhận cho người bị hại chuộc lại với giá "vừa phải". Việc tổ chức "giao dịch" của nhóm Sáu Thà chặt chẽ và ranh mãnh đến mức gần như không có sơ hở, khó lọt vào mắt công an. Một phần do người bị hại quá lo sợ trước những hành động táo bạo, khó lường của chúng.

Bị cắt mất miệng lưới đáy, ngày 18.1.2007, anh Nguyễn Văn Đạt (ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, H.Năm Căn) men ra quán cà phê ở chợ Vàm Đầm (xã Nguyễn Huân, Đầm Dơi) đánh tiếng nếu có ai "lượm" thì xin cho chuộc đáy. Vì quán này gần xóm Ông Mao, từng nổi danh với những băng nhóm giang tặc khét tiếng. Không lâu, một nhóm 8 người xuất hiện tại quán. Số ngồi ngoài cảnh giới, số khác lân la tới gần bàn của Đạt. Sau một hồi thăm dò, một người đàn ông trong nhóm bước đến gạ có "lượm" 2 miệng đáy, ai có 7,5 triệu đồng thì cho chuộc lại. Chiều đó, cuộc giao dịch bắt đầu khi Đạt mang theo đủ tiền. Theo yêu cầu thì khổ chủ phải theo người đàn ông lạ này đến một địa điểm không được biết trước. Vỏ lãi chạy lòng vòng qua các tuyến kênh, khi thì ghé vào căn chòi hoang, khi thì tắt máy chờ đợi… cho đến lúc anh Đạt mệt mỏi và đối phương biết chắc chắn không có ai theo dõi thì những miệng lưới đáy mới được chở đến. Đó là một trong hàng loạt cuộc "giao dịch" mà nhóm Sáu Thà tổ chức cho người bị hại chuộc lại đáy bị trộm. Mọi chuyện diễn ra "ngọt" đến mức các ngành chức năng địa phương không hề hay biết để can thiệp.

Đại úy Nguyễn Chí Quảng, đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Năm Căn cho biết, nhiều khi họ lấy xuồng máy của nạn nhân đi mất biệt rồi bảo người chuộc phải đợi. Lưới đáy được chất vào xuồng ở một nơi giấu bí mật, khi tiền trao tay, thấy an toàn chúng mới cho người bị hại biết nơi lấy xuồng và đáy. Làm vậy, nếu người bị hại có biểu hiện gây nguy hiểm cho chúng thì không những không chuộc được đáy mà còn mất luôn cả xuồng máy.

"Nếu báo công an thì sẽ tiếp tục bị mất đồ!" - đó chính là lời hăm dọa mà bọn trộm đường sông thường dùng để trấn áp các nạn nhân của chúng. Với tâm lý "mình ở ngoài sáng, chúng ở trong tối, muốn làm gì thì làm, không thể canh phòng nổi" nên anh Nguyễn Văn Nhiều ở ấp Hố Gùi trong một lần bị mất cắp đã lặng lẽ đóng tiền chuộc lại tài sản. Tuy nhiên, tài sản của anh Nhiều sau khi chuộc lại vẫn… tiếp tục bị mất. Cho đến khi đường dây giang tặc do Sáu Thà cầm đầu bị triệt phá, hàng loạt cuộc "giao dịch" diễn ra trong "luật im lặng" giữa chúng với người bị hại mới được tiết lộ.

(Còn tiếp)

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.