Khuôn viên Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - nơi đặt 21 khối đá san hô tượng trưng cho 21 đảo trên quần đảo Trường Sa, 11 cây bàng quả vuông - biểu tượng chủ quyền của quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng, đã trở thành địa điểm học ngoại khóa đầy bổ ích đối với học sinh các trường trên địa bàn TP Quảng Ngãi.
Ngắm nghía, săm soi từng phiến đá mang tên đảo Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn…, các em đều xúc động khi nghe cô hướng dẫn viên kể về những chiến công của bao thế hệ đi trước để bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc trên biển Đông. Ngày hôm nay, ở nơi đầu sóng ngọn gió, dẫu cuộc sống còn bao khó khăn, thiếu thốn, song những chiến sĩ hải quân vẫn vững chắc tay súng ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Em Hồ Thị Ái Hiếu - học sinh trường THCS Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi - thổ lộ: “Những buổi học ngoại khóa như thế này lý thú quá, giúp chúng em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đấu tranh và gìn giữ chủ quyền biển đảo Trường Sa của các bậc cha anh ngày trước và hôm nay. Trường Sa bây giờ trong trái tim mỗi học sinh thật gần gũi và thiêng liêng”.
|
Đảo Lý Sơn - nơi được xem là một bảo tàng với nhiều bằng chứng về chủ quyền của VN ở Hoàng Sa cả văn hóa phi vật thể và vật thể, nhất là cụm tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và khu nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật không chỉ là nơi thu hút nhiều bạn trẻ mỗi khi ra đảo mà còn là chỗ học lịch sử địa phương của thế hệ trẻ Lý Sơn. Dù thuộc lòng câu ca “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”, được tưới tắm những câu chuyện kể về các binh phu giong thuyền vượt trùng dương xác lập chủ quyền của VN trên 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ hàng trăm năm trước, em Lê Thị Mỹ Diệu (trường THPT Lý Sơn) nói rằng khi nhìn thấy những hình ảnh, hiện vật về Hoàng Sa như: thuyền câu, chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài… mới hình dung được khúc ca bi tráng của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã ra đi bảo vệ bờ cõi biên cương của Tổ quốc như thế nào. “Xem những hiện vật này, thế hệ trẻ Lý Sơn vô cùng khâm phục lòng can trường, sự hy sinh cao cả của những hùng binh Hoàng Sa. Bây giờ chúng em mới hiểu vì sao người dân đất đảo xem quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là nhà, là máu thịt, là ngư trường truyền thống”, Diệu bày tỏ.
Không có điều kiện học dã ngoại, nhiều học sinh các trường ở đất liền được tìm hiểu chủ đề “chủ quyền biển đảo”, “tiềm năng biển đảo” thông qua những tiết học lồng ghép trong môn lịch sử và địa lý. Bằng chất giọng thuyết phục cùng với hệ thống hình ảnh minh họa cụ thể cho bài giảng: “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”, cô giáo Nguyễn Thị Sen (trường THCS Đức Chánh, H.Mộ Đức) bộc bạch: “Những bài giảng như thế này hết sức thiết thực, gần gũi, các em học sinh ở địa phương rất hứng thú lắng nghe. Từ đó, không chỉ giúp các em luôn ghi nhớ công ơn của bao thế hệ đã hy sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn khơi dậy ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước hôm nay và mai sau”.
Theo ông Thái Văn Đồng - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, việc các trường tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục biển đảo vào một số môn học gắn với những buổi học ngoại khóa là một chương trình giáo dục mang đầy ý nghĩa. “Kể từ khi đưa nội dung giáo dục biển đảo vào giảng dạy trong trường, học sinh được bồi đắp lòng tự hào về đất nước, con người, về quê hương Quảng Ngãi. Đặc biệt, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền của VN đã ăn sâu vào tâm thức của từng học sinh. Thông qua việc giáo dục chủ quyền biển đảo, tự trong lòng các em sẽ hình thành ý thức và trách nhiệm công dân của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Đồng nhận xét.
Hiển Cừ
Bình luận (0)