Giáo dục kỹ năng sống (KNS) đã được lồng ghép giảng dạy trong các môn học từ lớp 1 đến 12 nhưng học sinh chưa thật sự thích thú, không cảm thấy thiết thực.
|
Thầy và trò đều cố
|
Qua một năm thực hiện tăng cường giáo dục KNS ở bậc tiểu học, không ít giáo viên (GV) đều có chung một nhận xét: Việc đưa giáo dục KNS vào giảng dạy là rất cần thiết, giúp học sinh (HS) tự tin hơn, có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, không phải bài học nào cũng có thể lồng ghép thuận lợi.
Một GV Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian đầu chúng tôi rất lúng túng vì cứ “cố” để đưa bằng được nội dung KNS vào bài học. Ví dụ, sau bài học “Ai có lỗi” trong môn tiếng Việt lớp 3, cả cô và trò đều căng thẳng vì không biết HS đã hiểu được các KNS mà yêu cầu lồng ghép của Bộ GD-ĐT đặt ra như: ứng xử văn hóa, thể hiện sự cảm thông và kiểm soát cảm xúc... hay chưa”.
Ông Lê Định, Trường tiểu học La Hà Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi cho rằng: “Có quá nhiều kỹ năng (21 kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn của bộ - PV). Một HS tiểu học rất khó xác định mình vừa tiếp cận kỹ năng nào và đã có được kỹ năng nào”.
Lồng ghép khiên cưỡng
Một GV dạy văn Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hà Nội, cho biết: “Theo yêu cầu của chương trình giáo dục mới, các tác giả viết sách GV cần tích hợp, kết hợp giáo dục về môi trường, KNS... cho HS trong các môn học chính khóa. Tuy nhiên, các nội dung lồng ghép về dân số, môi trường, kỹ năng sống, phòng chống HIV… đưa vào chương trình học môn văn rất khiên cưỡng, khiến giờ văn trở nên nặng nề, khô khan”.
Qua thực tế giảng dạy, một số thầy cô giáo cũng cho rằng dạy lồng ghép chưa mang lại hiệu quả cao vì thời gian dành cho giáo dục KNS không nhiều, nếu sa đà quá một chút sẽ lại ảnh hưởng đến môn học chính. Đó là chưa kể môn học đó cần hài hòa, nhẹ nhàng, thú vị mới giúp các em có hứng thú học và tiếp thu hiệu quả.
Thiếu chuyên nghiệp
Theo đánh giá của hiệu trưởng các trường, khó khăn lớn nhất khi giảng dạy KNS cho HS là phần lớn GV đều chưa quen việc. Nhiều GV còn hiểu nhầm “đạo đức mới là môn có trách nhiệm giảng dạy KNS”.
Một chuyên gia của Bộ GD-ĐT cho hay: “Trong 10 GV hiện nay chỉ có khoảng 2-3 người đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy KNS. Đa số GV còn lại dù rất tâm huyết nhưng không phải ai cũng dạy được vì họ chưa được đào tạo.
Vì lẽ đó mà bà Nguyễn Thị Mai Lan - Viện Nghiên cứu con người, nhận định: “Những KNS mà HS được học trong nhà trường THPT hiện nay còn mang nặng tính hình thức, do đó các em chưa chuyển dịch được những kiến thức được học trong nhà trường thành kinh nghiệm sống của bản thân nên thiếu tự tin khi tham gia trực tiếp vào những hoạt động trong gia đình, nhà trường và xã hội”.
Ý kiến Nên chọn lọc Chúng ta phải lồng ghép vào môn học, bồi dưỡng lại đội ngũ GV về phương pháp, tạo điều kiện để HS có thời gian thực hành những kiến thức đã học, để đi vào thực tế. Bên cạnh số môn và nội dung học đã khá nặng, trước đơn đặt hàng của xã hội, ngành GD-ĐT cần bình tĩnh suy xét; cái gì thực sự cần thiết, thực sự là kiến thức - kỹ năng phổ thông hãy đưa vào chương trình giáo dục phổ thông; còn không thì phải giải trình với công luận để tìm hình thức giáo dục khác phù hợp”. GS Nguyễn Minh Thuyết Không thể dạy lý thuyết suông “Nếu có những tiết học dành riêng cho hoạt động rèn luyện KNS thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với những giờ học mang tính lý thuyết như hiện nay. KNS chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. HS chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó chứ không chỉ nói về việc đó”. Cô Nguyễn Thị Hòa - GV một trường THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) Bớt số tiết môn văn hóa “Điều mà Bộ GD-ĐT nên làm ngay là rà soát lại chương trình, bỏ bớt những môn, chương, bài không cần thiết... Bớt đi khoảng 30% số tiết học các môn văn hóa, tăng cường thêm các bộ môn có tính giáo dục nhân bản, nhân văn...”. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh |
Tuệ Nguyễn - La Giang
Bình luận (0)