Giáo dục là để cảm hóa

08/11/2019 04:54 GMT+7

Cần nhớ rằng khi học sinh vi phạm kỷ luật, nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình.

Câu chuyện một nam sinh của Trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình, TP.HCM) bị ban giám hiệu nhà trường bắt phải đọc kiểm điểm và xin lỗi trước toàn trường vì đã có lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm và cách giáo dục của nhà trường đối với học sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường đã “lạm quyền” trong xử lý vì đây là việc tự do bày tỏ quan điểm của bản thân em học sinh này, vả lại nó là câu chuyện ngoài không gian trường học. Vì vậy nhà trường không nên can thiệp quá sâu.
Những ý kiến trên không sai nhưng việc nhà trường can thiệp vào cách sử dụng các trang mạng của học sinh cho thấy trách nhiệm của nhà trường với học sinh. Nhà trường không chỉ giáo dục học sinh ở trường, mà còn theo dõi, đánh giá các em ở nhà, ở ngoài xã hội là việc nên chú ý. Hiện nay nhà trường không chỉ giáo dục học sinh ở không gian thực mà cần ở cả không gian ảo.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn lấy làm tiếc về cách mà Ban Giám hiệu Trường Ngô Quyền xử lý kỷ luật học sinh của mình vì nó chưa đẹp, chưa phù hợp với môi trường giáo dục và có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Chúng ta phải sống lại bằng tâm lý học trò mới thấy việc đứng trước đám đông, nhất là khi bị kỷ luật, khó khăn như thế nào. Ở đây nam sinh này đã có một áp lực ghê gớm trước toàn trường. Thiện ý của ban giám hiệu là muốn cho toàn bộ học sinh trong trường coi đây là việc làm xấu để tránh đã chuyển thành một áp lực hổ thẹn kinh khủng đè nặng lên tâm lý của học sinh. Học sinh này sẽ rất khó khăn để sinh hoạt học tập trong quãng thời gian sắp tới.
Học sinh cũng rất đáng phê phán khi dùng những lời lẽ, hình ảnh không hay, thiếu văn hóa, xúc phạm người khác khi bày tỏ chính kiến trước một sự kiện, vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cách để giúp học sinh nhận ra lỗi lầm của mình, cách hay nhất là nhà trường nên kết hợp phụ huynh để xử lý riêng mình học sinh này và khuyến cáo chung (không cần nêu tên cụ thể) cho học sinh toàn trường. Đồng thời có thể nhân dịp này hướng dẫn các học sinh văn hóa phê bình, nêu ý kiến trong không gian mạng, một kỹ năng cần thiết cho cuộc sống của giới trẻ ngày nay.
Việc nêu tên học sinh dưới sân cờ vì các tội như ăn cắp vặt, cặp đôi, yêu sớm... bị nhiều người cho là làm nhục học sinh. Nếu các em ý thức sửa đổi thì tốt. Còn nếu không, các em bất cần, chấp nhận, ù lì... thì thật đáng nguy. Cần nhớ rằng khi học sinh vi phạm kỷ luật, nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình. Đó mới đúng nghĩa trường học là nơi để dạy dỗ, khai phóng.
Nhà văn Nam Cao từng có truyện ngắn rất hay nói về sự ảnh hưởng của thái độ, hành vi của người khác đến việc hình thành một nhân cách của một người nào đó. Trong truyện ngắn Tư cách mõ, trước sự bị “tha hóa” của một anh nông dân vốn rất hiền lành do thái độ thiếu tôn trọng của nhiều người chỉ vì anh làm mõ, Nam Cao khái quát triết lý: “Hỡi ôi lòng khinh trọng của chúng ta đối với người khác là quan trọng biết dường nào. Nhiều người không có lòng tự trọng vì không được ai trọng cả. Làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người khác sinh đê tiện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.