10 vấn đề giáo dục 2005 được dư luận quan tâm

30/12/2005 23:46 GMT+7

Như thông lệ hằng năm, nhóm PV Giáo dục của Thanh Niên đã tổng kết 10 sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất năm 2005.

1. Luật Giáo dục được thông qua

Tháng 6.2005, Luật Giáo dục gồm 9 chương, 120 điều, được Quốc hội thông qua trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Giáo dục năm 1998, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2006. So với Luật Giáo dục 1998, có một số điều bổ sung đáng chú ý là: các cá nhân, tổ chức khác ngoài Bộ GD-ĐT cũng có quyền soạn sách giáo khoa; tăng khả năng liên thông, xác định rõ yêu cầu về chương trình giáo dục, về điều kiện thành lập nhà trường, những tiêu chí cơ bản để một trường ĐH, học viện nghiên cứu được đào tạo tiến sĩ, khuyến khích đầu tư mở trường ngoài công lập đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng hoạt động của các trường dân lập, tư thục...


Học sinh tiểu học không còn phải thi tốt nghiệp. ảnh: Đào Ngọc Thạch

2. Lần đầu bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, lần cuối thi tốt nghiệp THCS

Năm 2005 cũng là năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS cuối cùng và bắt đầu bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học.

3. Đấu trường quốc tế: Thành công và thất bại

27 học sinh thuộc 6 đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Vật lý châu Á, Toán học, Tin học, Hóa học, Sinh học đoạt giải quốc tế, trong đó đoàn học sinh dự thi môn hóa học đạt thành tích cao nhất với 3 huy chương (HC) vàng và 1 HC bạc. Lần đầu tiên Việt Nam tham dự cuộc thi lập trình thế giới 2005 khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Iran, đội tuyển Olympic Tin học của ĐH Bách khoa TP.HCM đã đoạt giải ba. Tại cuộc thi Olympic Toán và khoa học quốc tế cấp tiểu học năm 2005 (IMSO-2005), đoàn Việt Nam gồm 6 học sinh của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giành được 1 HC bạc và 3 HC đồng.

Bên cạnh những thành công trên, có thể xem việc lần đầu tiên trong ba năm gần đây đội tuyển Toán không giành được HC vàng và “văng” ra khỏi khỏi top 5 là một thất bại.

4. Nhiều sự cố về đề thi

Không khó khăn lắm trong việc đi tìm một trong những nguyên nhân thất bại của đội tuyển Toán khi trước đó đã có quá nhiều sự cố về đề thi chọn vào đội tuyển Toán thi quốc tế. Ban đầu là việc có  3 trong 6 câu đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia (cơ sở ban đầu để chọn đội dự tuyển quốc gia) đã xuất hiện trong các kỳ thi trước đó, gây ra nhiều tranh cãi làm chậm thời gian triệu tập đội tuyển quốc gia. Chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thừa nhận ra đề thi như thế là sai quy chế và hứa sau khi đội tuyển Toán thi ở Mexico về sẽ xử lý nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ!

Các sai sót ở đề thi môn Địa lý tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, các đề kiểm tra học kỳ của chương trình thí điểm phân ban, tuy không còn sai sót nhiều như các năm trước nhưng đề thi môn Văn lớp 11 (học kỳ 2 - tháng 5) vẫn có 3/12 câu trắc nghiệm nằm trong chương trình học kỳ 1.

5. Sự kiện "học sinh lên tiếng"

Đầu tiên là lá thư của học sinh Nguyễn Phi Thanh (lớp 11A18, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) về tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã viết rằng mình không thích tác phẩm đó và tập trung vào việc nhận xét về cách dạy và học văn trong nhà trường. Sự việc này đã tạo nên nhiều ý kiến trái ngược: số người không đồng tình cho rằng Phi Thanh có thể trình bày ở nơi khác và bài thi phải bị cho điểm kém; ngược lại cũng có nhiều người đồng tình và đòi phải thay đổi cách giảng dạy môn Văn trong nhà trường.

Đến cuối tháng 8, một học sinh ở Nghệ An lên tiếng về việc không công bằng trong việc xét chọn danh hiệu học sinh giỏi lớp 12, dư luận lại tập trung bàn về việc "nên hay không nên cộng điểm thưởng cho học sinh giỏi trong kỳ tuyển sinh ĐH?". Đến nay, sự việc vẫn chưa ngã ngũ.

6. Chương trình thí điểm phân ban vẫn chưa ổn

Sau gần 3 năm thí điểm, khi lứa học sinh đầu tiên của lần thí điểm này sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương án để triển khai đại trà cho học sinh toàn quốc vào năm học 2006-2007 vẫn chưa được quyết định: từ 2 ban ban đầu, có thể chuyển qua 4 ban (tháng 6.2005), bây giờ có thêm phương án 3 ban. Chương trình chưa ổn định, tác giả sách giáo khoa và nhà in đều vẫn "nằm chờ", chắc chắn sẽ còn cập rập trong những tháng tới.

7. Tuyển sinh đại học bội thu điểm cao

Đề thi của khối A khá dễ, không tạo ra sự phân hóa rõ rệt giữa học sinh giỏi và khá, tạo ra một bất ngờ mới: 97 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 (cao nhất từ năm 1975 đến nay), 1 thí sinh đạt 30/30 điểm của cả 2 khối thi.

8. Giáo dục đại học tìm đường đổi mới

"Đến năm 2020, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới" là mục tiêu của Đề án đổi mới giáo dục ĐH đến năm 2020 được Chính phủ thông qua trong tháng 11. Từ quyết định này, nhiều chương trình đã "khởi động" mà khởi đầu là việc cho phép 9 trường đại học trọng điểm cả nước thí điểm đào tạo 10 chương trình tiên tiến bậc đại học vào năm 2006.

9. Đề án gây "sốc": Tăng học phí

Cuối năm, Bộ GD-ĐT bất ngờ tung ra đề án tăng học phí, trong đó có mức trần của hệ ĐH dự kiến 900.000 đồng. Đề án bị dư luận phản đối và cuối cùng phải "xin rút lại".


Tư vấn mùa thi qua cầu truyền hình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức. ảnh: Đào Ngọc Thạch

10. Chương trình Tư vấn mùa thi của báo Thanh Niên phát triển mạnh cả về lượng và chất

Năm 2005 tổ chức tại 16 tỉnh, thành trong đó mở rộng ra đến Hải Phòng, Quảng Trị, Chương trình được phát sóng trên 18 kênh truyền hình và 9 buổi truyền hình trực tiếp, 57 trường ĐH, CĐ, THCN tham gia. Đây là năm đầu tiên phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức cầu truyền hình riêng để tư vấn cho học sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội và TP.HCM, được đánh giá là một bước đột phá. Quỹ học bổng dành cho chương trình Tư vấn mùa thi năm thứ 2 (phối hợp với Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ và Trung tâm tin học ĐH Khoa học tự nhiên) trong khuôn khổ Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình của báo đã cấp 257 suất, tổng trị giá 1,35 tỉ đồng.

Nhóm PV Giáo dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.