1001 cách về quê ăn tết của sinh viên Trung Quốc

28/01/2017 15:01 GMT+7

Vật vờ trên những toa tàu đông đúc, chấp nhận đi đường vòng, hay thậm chí đi bộ vượt hàng trăm cây số... là những cách mà sinh viên Trung Quốc ứng biến để về quê.

Nam sinh viên tranh thủ nghỉ ngơi khi đang chờ đợi tại phòng vé một nhà ga thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình China Daily

Mua vé như đánh trận
Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm tìm vé về quê ăn tết khó khăn nhất ở Trung Quốc. Các nhà chức trách ước tính có khoảng 47 triệu người di chuyển bằng đường hàng không và 295 triệu người bằng xe lửa, theo China Highlights.
Vì hệ thống đường sắt Trung Quốc thường bị quá tải vào mùa tết và nhu cầu đi lại lớn nên vé tàu đắt như tôm tươi. Phía công ty đường sắt có thể bán sạch vé chỉ trong vài phút sau khi mở bán.
Muốn có được vé tàu tết, sinh viên Trung Quốc phải canh thời gian thật chính xác và chuẩn bị những "vũ khí" cần thiết như điện thoại thông minh, laptop tốt và wifi mạnh. Vì khi cùng lúc có quá nhiều người truy cập website để đặt vé thì chỉ cần chậm 1 giây kết quả có thể hoàn toàn khác.

Ngoài ra, họ có thể sử dụng một số “chiến thuật' đặc biệt. Trên mạng có rao bán các phần mềm giúp tăng khả năng đặt vé thành công đến gần 70%. Tuy nhiên, dù có như thế thì kết quả cũng chưa chắc được đảm bảo.
Phóng viên tờ China Daily đã thâm nhập và bỏ ra 50 nhân dân tệ để mua một phần mềm như vậy. Người rao bán quảng cáo nói nó có thể giúp tăng đáng kể cơ hội đặt vé thành công. Tuy nhiên, mặc dù đã cố gắng và gửi 100.000 yêu cầu đặt vé trong suốt 15 giờ nhưng kết quả vẫn... trắng tay.
Xuôi dòng “Xuân vận”
“Xuân vận” là từ dùng để gọi cuộc di chuyển của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc về quê ăn tết vào mỗi dịp cuối năm. Đây cũng được xem là cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới.
Để về quê, không ít sinh viên phải chấp nhận mua vé đứng trên các chuyến tàu. Như tên gọi của nó, người mua vé đứng chỉ được... đứng suốt cuộc hành trình chứ không có ghế ngồi.

Họ được bố trí trong những toa tàu đông đúc, đứng ở các lối đi, thậm chí nhà vệ sinh. Giá vé đứng thường rẻ hơn nhưng có thể phải chịu cảnh nhồi nhét. Không như những chuyến tàu thông thường khác, số lượng hành khách vé đứng không bị giới hạn, theo China Highlights.
Tuy nhiên, các công ty đường sắt cũng có hạn mức là số lượng vé đứng không được quá 7% tổng lượng hành khách. Ngay cả khi hành khách chấp nhận sẽ vật vã trong suốt chuyến đi nhưng để mua được vé đứng cũng không hề dễ dàng.
Do tình trạng quá tải, mỗi đợt “Xuân vận” ước tính có khoảng 50 triệu hành khách phải di chuyển bằng vé đứng hoặc ngồi bệt dưới nền tàu hỏa, theo Channel News Asia.

Thậm chí, nhiều sinh viên phải đi đường vòng vì không có vé. Sinh viên Vương Đông Dương cho biết vì không mua được vé đi thẳng từ thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) đến Lan Châu (tỉnh Cam Túc), cô phải đặt vé từ Trường Sa đến Vũ Hán, rồi từ Vũ Hán đến Lan Châu.
Không chỉ vậy, một sinh viên tên Trương Sấm đã chọn cách đi bộ về quê. Trường đại học của anh ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam cách nhà ở thành phố Thương Khâu hơn 300 km. Trương Sấm đã dành 6 ngày rưỡi để hoàn tất hành trình, mỗi ngày đi 10 tiếng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.