80% trẻ em bị sâu răng

10/12/2008 23:23 GMT+7

Hội nghị Nha học đường toàn quốc do Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tổ chức hôm qua tại Hà Nội đã cảnh báo: có khoảng 80% trẻ em Việt Nam bị sâu răng. Trung bình mỗi trẻ có khoảng 5 - 6 răng sữa đã bị sâu và hầu hết các răng sâu không được điều trị.

Trẻ 6 - 8 tuổi dễ bị sâu răng nhất

Lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, là đối tượng cần được ưu tiên đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe răng miệng. Đây là lứa tuổi men răng dễ bị tổn thương. Theo PGS-TS Trịnh Đình Hải, trẻ em 6-8 tuổi có tỷ lệ sâu răng sữa cao nhất, ở mức 83,9% và trung bình mỗi trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi này có 6 răng đã bị sâu. Trong khi đó, cả nước mới có 8 tỉnh thành phủ kín chương trình nha học đường ở tất cả các trường tiểu học, toàn bộ học sinh trong tỉnh, thành được chăm sóc răng miệng thường xuyên, ổn định tại trường. Còn 5 tỉnh (tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc) hoàn toàn chưa hề biết đến khái niệm "nha học đường".

Tại TP.HCM, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tài Dũng cho biết: có tới 90,17% nhà trường và 94,95% phụ huynh học sinh cho rằng cần thiết có phòng nha tại trường. Ông Dũng cũng bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ giảm sút số lượng các phòng nha trong trường học. "Có tới 39 trường (trong tổng số 400 trường tiểu học) có phòng nha nhưng đã ngừng hoạt động; có 25,86% trường cho rằng khó duy trì hoạt động, trong đó có 3 trường có thể phải ngưng hoạt động. Lý do được đưa ra là vì không tuyển được nhân viên và không có kinh phí. Nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, nhiều phòng nha tại trường sẽ tiếp tục ngừng hoạt động trong thời gian tới" - ông Dũng nhấn mạnh.

"Nếu không thực hiện điều trị dự phòng răng miệng, thì sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí lớn hơn rất nhiều. Chi phí làm răng giả để khắc phục tình trạng mất một răng có thể ở mức từ 10-30 triệu đồng".

PGS-TS Trịnh Đình Hải

Đụng vào đâu cũng thiếu

PGS-TS Trịnh Đình Hải chỉ ra rằng: Ở không ít địa phương, cả ngành y tế và giáo dục chưa có sự quan tâm thỏa đáng hoặc phối hợp không hiệu quả trong việc chăm sóc nha học đường. Thậm chí có đến 16/58 tỉnh ngành GD-ĐT bất hợp tác trong công tác này.

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa nêu thực trạng: "Đã có quy định về biên chế cho cán bộ nha học đường trong các trường học, song đây đó các trường vẫn muốn nhận y sĩ nha, trong khi đội ngũ trung cấp điều dưỡng rất dồi dào mà nhà trường lại không tận dụng và đào tạo thêm kiến thức răng miệng để sử dụng. Thừa thì thừa, mà thiếu thì vẫn thiếu". TS Ngô Đồng Khanh - Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư tại TP.HCM cho biết: Hiện nay một cán bộ nha học đường phải đảm đương công việc chăm sóc răng miệng cho 13.000 - 17.000 học sinh.

Tại Tây Nguyên và một số tỉnh khó khăn, tỷ lệ này còn lớn hơn với 30.000 học sinh/cán bộ nha học đường. Trong khi đó, tại các nước khoảng 500 - 1.000 học sinh đã có một cán bộ chăm sóc, điều trị răng miệng. Xét về khía cạnh kinh tế, ông Hải phân tích: để triển khai chương trình nha học đường tại một địa phương, chỉ cần một khoản kinh phí nhỏ. Khoản này có thể trích từ kinh phí hoạt động của ngành ở địa phương, hoặc vận động mỗi học sinh đóng góp khoản tương đương một vài cân gạo mỗi năm. Trong khi nếu không thực hiện điều trị dự phòng răng miệng, để răng bị sâu thì sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, chi phí làm răng giả để khắc phục tình trạng mất một răng có thể ở mức từ 10-30 triệu đồng.

Trước thực trạng này, ông Lã Quý Đôn - Phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) khẳng định: một trong những mục tiêu trước mắt mà Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện là mở mã ngành, xây dựng chương trình đào tạo cán bộ y tế trường học, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ hiện có để chương trình "nha học đường" hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Viện Răng Hàm Mặt quốc gia, có 46/58 tỉnh báo cáo thiếu nhân lực làm công tác nha học đường. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, nhiều người phải bỏ việc hoặc làm việc không nhiệt tình. Bên cạnh đó có 47/58 tỉnh cho biết thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên, 33 tỉnh thiếu trang thiết bị và dụng cụ nha khoa, 58 tỉnh cho biết: bảo hiểm y tế không chi trả kinh phí cho nội dung dự phòng lâm sàng cho học sinh.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.