Bác sĩ 'ngàn like' chia sẻ hành trình đầy gian nan để đến với ngành y

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
22/06/2021 15:00 GMT+7

Sinh ra ở vùng núi, nhà cách trường tới 18 km, tưởng chừng anh đã thất học. 8 tuổi anh phải xa cha mẹ, đến ở với ông bà nội và tự lực vượt qua mọi khó khăn để trở thành một bác sĩ nổi tiếng.

Hành trình đó được chính bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đưa vào một trong hai cuốn sách đầu tay của anh “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt”. Anh đã dành một phần trong quyển sách để kể lại “tuổi thơ hoang dã” của mình và hành trình nỗ lực từ một cậu bé rừng núi cho đến khi được tuyển thẳng vào trường y và trở thành bác sĩ 'quốc dân' hiện nay.

Tuổi thơ hoang dã

Anh có thể chia sẻ về câu chuyện này và nó được anh đưa vào sách như thế nào?
Người nào cũng có nguồn gốc và tuổi thơ của mình, và với tôi cũng vậy. Nói về tuổi thơ của mình, tôi xin được dùng 4 từ "tuổi thơ hoang dã” giống như tựa đề phần 1 trong cuốn sách “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt”.
Tôi được sinh ra trong gia đình có cha mẹ làm công nhân nông trường chè ở vùng biên giới Nghệ An giáp với Lào. Việc tôi sinh ra cũng không nằm trong kế hoạch của cha mẹ vì gia đình đã có chị gái và anh trai trong khi ngày đó nhà tôi quá nghèo, lo việc ăn còn chưa xong.
Cha mẹ tôi suốt ngày trong rừng và trên những đồi chè nên tôi đã phải quăng quật từ bé, tự tìm đồ ăn, tự chơi, tự đi về nhà…
Năm lên 7 tuổi, gia đình tôi vào sâu hơn trong rừng để khai hoang làm rẫy, tôi chính thức thất học vì nhà cách trường 18 km đường rừng, mà ngày ấy toàn đi bộ, tôi mới 7 tuổi nên không thể đi học được. Cha mẹ lo nương rẫy nên thay vì đi học, suốt ngày tôi lang thang dọc các khe suối cũng như những cánh rừng để chơi, xúc tôm cá, bắt chim và để kiếm củi...
Sau đó anh có được đến trường để trở thành bác sĩ như ngày nay?
May mắn sau đó tôi được cha mẹ gửi về ông bà nội nuôi ăn học ở vùng đồng bằng Hà Tĩnh. Tôi chính thức xa cha mẹ từ lúc 8 tuổi và tự bản thân cảm nhận, ý thức được cái nghèo, khó của mình để tự nhủ vươn lên.
Tôi thi đậu thủ khoa, học sinh giỏi tỉnh rồi giải 3 học sinh giỏi quốc gia môn sinh học và được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y khoa Hà Nội, chính thức bước vào con đường trở thành bác sĩ. Trên suốt chặng đường dài đó, chính tình cảm yêu thương của ông bà nội đã soi sáng và sưởi ấm cho tôi.
Bây giờ tôi trở thành phẫu thuật viên thần kinh cột sống tại một trong những bệnh viện ngoại khoa lớn nhất cả nước. Tôi tự hào vì điều đó vì để đi được đến ngày hôm nay tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, chông gai.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh với hai cuốn sách đầu tay của mình

NVCC

9 năm "mài quần" trên ghế trường y

Trong cuốn sách của mình, anh có chia sẻ về quảng thời gian đặc biệt, đó chính là thời sinh viên. Theo anh, cuộc sống của sinh viên y khoa có gì đặc biệt?
Khi nhắc đến sinh viên ngành y thì nó gắn liền với sự vất vả, với cường độ học tập, thực hành áp lực. Để học và tốt nghiệp bác sĩ, sinh viên cần học 6 năm nhưng nếu tính chi tiết thì tổng thời gian học sẽ còn cao hơn như vậy nhiều. Những ngày trong trường, buổi sáng sinh viên đến bệnh viện học thực tế lâm sàng, buổi chiều lên giảng đường học lý thuyết, buổi tối sang bệnh viện trực cấp cứu...
Khác với hầu hết các ngành học khác, sinh viên ngành y tương tác với người bệnh nên không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần cả những kỹ năng tương tác, trái tim đồng cảm, chia sẻ thấu hiểu...
Với cá nhân mình, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, tôi học tiếp 3 năm bác sĩ nội trú nên tổng thời gian học liên tục trong trường y là 9 năm. Thời gian học nội trú còn vất vả hơn nhiều so với những năm tháng sinh viên.
Từ những kinh nghiệm thực tế, chứng kiến nhiều người trẻ phải sớm từ bỏ ước mơ, cuộc sống vì những tai nạn, vấn đề sức khoẻ. Và cả những câu chuyện được viết trong sách anh muốn nhắc nhở đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ những gì về thói quen, lối sống cũng như ý thức trong việc giữ sức khoẻ của mình?
Thân thể và sinh mệnh là những gì quý giá nhất của chúng ta và nó cũng chính là kết tinh từ những gì tinh tuý nhất do cha mẹ chúng ta để lại, vậy nên tôi rất mong mỗi người hay luôn nâng niu trân trọng nó.
Tôi luôn có tin rằng, sức khỏe và thậm chí là cuộc sống của mỗi chúng ta, về cơ bản do chính chúng ta định đoạt. Hãy chủ động chăm sóc và giữ gìn sức khỏe  của chính mình thông qua lối sống, vận động thể dục thể thao, đọc sách, nuôi dưỡng đời sống tinh thần và tạo thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm vì đó là con đường bền vững và thông minh nhất để chúng ta khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Anh có thể chia sẻ thêm một chút về 2 cuốn sách đầu tay của anh?
Hai cuốn sách của tôi có tựa đề “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt” và “Bác sĩ tốt nhất của nhà mình” vừa được phát hành vào ngày 18.6.
“Nơi ánh sáng không bao giờ tắt” là cuốn sách kể về những câu chuyện nghề y có thật, xúc động và truyền cảm hứng từ những tháng năm bước vào con đường chữa bệnh cứu người của tôi.
Và đó cũng là ánh sáng của niềm tin - hy vọng biết bao người nhà đang trông ngóng mong chờ bên ngoài cánh cửa lạnh lẽo kia. Ngoài ra ở phần 1 “Tuổi thơ hoang dã” của cuốn sách, tôi chia sẻ cùng anh chị những năm tháng sinh ra nơi núi rừng, xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện, những mảnh đời người bệnh đi cùng tôi với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Sinh ra ở miền núi, để trở thành bác sĩ anh đã trải qua rất nhiều khó khăn và tự bản thân đã phải nỗ lực rất nhiều. Chặng đường đó, được anh kể lại trong cuốn sách đầu tay của mình với hy vọng góp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ khác

NVCC

Còn cuốn “Bác sĩ tốt nhất của nhà mình” là những bài viết về chăm sóc sức khỏe và những bệnh lý chúng ta vẫn thường gặp hàng ngày. Tôi không đi sâu vào kê đơn hay điều trị mà chỉ tập trung hướng dẫn mọi người cách nhận biết vấn đề và đặc biệt là những giải pháp dự phòng để không cho nó xảy đến.
Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước cùng ngành y tế đang chung tay chống dịch, nhân dịp ra hai cuốn sách này tôi và nhà phát hành sách quyết định làm một phiên bản duy nhất cuốn “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt” làm thủ công, mạ vàng bán đấu gia ủng hộ quỹ vắc xin để bán đấu giá. Số tiền bán cuốn sách đấu giá sẽ được đóng góp vào quỹ vắc-xin của chính phủ.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được nhiều người ví là bác sĩ “quốc dân” với rất nhiều chia sẻ của anh trên trang cá nhân. Anh sở hữu Facebook cá nhân với hơn 160.000 lượt theo dõi với rất nhiều bài viết chia sẻ hữu ích về những vấn đề liên quan đến sức khoẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.