Bắt nhịp sau nghỉ tết

01/02/2016 05:24 GMT+7

Đi học muộn, uể oải, khó ăn, khó ngủ, không tập trung, nói chuyện riêng… là biểu hiện của hầu hết học sinh sau kỳ nghỉ tết dài ngày. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Đi học muộn, uể oải, khó ăn, khó ngủ, không tập trung, nói chuyện riêng… là biểu hiện của hầu hết học sinh sau kỳ nghỉ tết dài ngày. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Nhóm trẻ 6 đến 18 tháng của Trường mầm non Sơn Ca 6 (Q.12) - Ảnh: B.ThanhNhóm trẻ 6 đến 18 tháng của Trường mầm non Sơn Ca 6 (Q.12) - Ảnh: B.Thanh
Tuần học đầu tiên là khoảng thời gian căng thẳng đối với giáo viên và học sinh. Trong đó, trẻ mầm non là lứa tuổi mà sự thích nghi khó hơn học sinh các bậc học khác. Theo giáo viên Trần Thị Tú Quyên, Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM): “Có khoảng hơn 30% trẻ trong lớp không còn nếp sinh hoạt như trong tết. Những ngày đầu tiên trẻ thường có tâm lý giống những ngày đầu đi học như la khóc không ăn, nôn ói… Đặc biệt, một vài trẻ khóc cũng dễ kéo theo phản ứng dây chuyền cho các trẻ khác, giống bầy ong vỡ tổ”.
Sau kỳ nghỉ dài, học sinh tiểu học tỏ ra không hứng thú với việc học tập. Một giáo viên của Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) chỉ ra những biểu hiện của học sinh sau tết như đi học muộn, trong giờ học thì buồn ngủ, uể oải, nằm gục trên bàn, lười phát biểu, không hào hứng tham gia các hoạt động, viết chữ xấu, tốc độ hoàn thành bài tập rất chậm…
Còn bảo mẫu Lê Thị Ngọc Nhung, lớp 1/9 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), cho biết thêm: “Khi các con được nghỉ thì ba mẹ vẫn đi làm nên không có thời gian chăm sóc nhiều. Đến ngày tết đi chơi nhiều, chơi khuya, ngủ “nướng”… nên ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ. Bên cạnh đó, do kỳ nghỉ dài ngày nên dễ trở thành thói quen của trẻ như thức khuya dậy muộn, thích ăn lúc nào thì ăn, không có giờ giấc…”.
Ở bậc học lớn hơn như THCS, THPT cũng không tránh khỏi tình trạng này. Như chia sẻ của giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM): “Có nhiều học sinh về quê nên trở lại trường trễ một vài ngày. Đến khi đi học thì uể oải, mệt mỏi, không tập trung, không bắt nhịp kịp kiến thức”.
Để thoát khỏi tình trạng này, cô Tú Quyên tư vấn: “Khi trẻ không ngoan, đừng lấy việc đi học để hù dọa khiến trẻ lo sợ. Một vài ngày trước khi đi học, nên cho trẻ chuẩn bị, làm quen lại nếp sinh hoạt của trường. Đồng thời ba mẹ hãy gợi cho trẻ nhớ đến hình ảnh của trường lớp, có cảm giác chờ ngày đến trường gặp bạn kể chuyện được đi chơi như thế nào”.
Đối với học sinh từ tiểu học trở lên, một hiệu trưởng tại Q.1 (TP.HCM) nhấn mạnh: “Giáo viên không nên đếm ngày nghỉ để cho học sinh bài tập về nhà. Tuy nhiên, để học sinh giữ thói quen về học tập thì trước khi đi học vài ngày phụ huynh nên nhắc nhở con em xem lại bài cũ”. Còn bà Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh khiêm (Q.1), cho biết: “Nếu có dự định đi du lịch, phụ huynh cần tính toán thời gian cho các chuyến đi xa để hạn chế việc các em nghỉ học. Phụ huynh cần khuyến khích con em đi ngủ đúng giờ. Cha mẹ cũng nên quan tâm đến bài vở của con”.
Ở bậc THCS, cô Ý Nhi cho rằng nên giao một vài bài tập nhẹ nhàng cho học sinh trong thời gian nghỉ tết, chủ yếu nhằm ôn tập kiến thức cơ bản, tạo ý thức cho các em.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh, Bênh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyên: “Phụ huynh hãy quan tâm đến thời khóa biểu của trẻ trong những ngày cuối trước khi nghỉ tết và những ngày đầu sau khi nghỉ tết xong. Công việc này, nếu được, phụ huynh nên thực hiện một cách âm thầm để tránh tình trạng gây cho trẻ cảm giác bất an rằng mình sắp có những ngày nghỉ lễ không vui. Phụ huynh đừng quên nhắc nhở trẻ trở lại việc ngủ sớm, đúng giờ trước khi đi học 2 ngày, như đã quy định trước đây để tránh tình trạng thức khuya dậy muộn không đảm bảo tốt tinh thần học tập trên lớp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.