Bộ soạn SGK, cá nhân nào hăng hái nữa ?

12/11/2014 05:40 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn xung quanh cơ chế biên soạn và sử dụng khi có nhiều sách giáo khoa .

Các đại biểu vẫn còn băn khoăn về cơ chế một chương trình nhưng soạn nhiều bộ SGK - Ảnh: Ngọc Thắng

Chiều qua 11.11, QH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Cần bỏ đi... một nửa kiến thức thừa

Đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất đổi mới sắp tới lược bỏ 1/2 khối lượng kiến thức hiện nay, lược đi những cái rườm rà, không cần thiết. Tăng cường các tiết học về truyền thống đạo đức, thể dục thể thao. Cần cấu tạo lại chương trình cho cân đối để học sinh có nhiều thời gian vui chơi, thể dục thể thao...

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, phân tích: “Đề xuất bỏ 1/2 kiến thức chương trình hiện hành của ĐB An không phải là không có cơ sở. Chương trình hiện hành được thiết kế để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng ngoài cấp tiểu học thì không mấy trường trung học dạy học 2 buổi/ngày nên kiến thức nặng quá là đúng. Thứ hai, thiết kế theo mong muốn của chúng ta chứ không tính đến tính khả thi về giáo viên, cơ sở vật chất và khả năng tiếp thu của học sinh”.

Về vấn đề giảm tải chương trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH Đinh Xuân Thảo nêu thực tế: “QH cũng phải có ý kiến về định hướng đổi mới, giảm tải ra sao. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng muốn nhét vào chương trình. “Anh” nào cũng thấy lĩnh vực của mình là quan trọng... khiến học sinh, sinh viên gánh một chương trình quá nặng”.

Chỉ chăm bẵm việc Bộ biên soạn SGK

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) đồng tình với chủ trương có nhiều SGK nhưng không đồng tình phương án Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK. “Bộ là cơ quan quản lý nhà nước mà tham gia soạn sách là vừa đá bóng vừa thổi còi, vậy còn cá nhân nào hăng hái tham gia biên soạn nữa? Vừa soạn vừa quản lý chắc Bộ không đánh giá sách của mình yếu được. Bộ soạn ra thì sở, phòng phải dùng vậy tính khách quan yêu cầu đổi mới SGK coi như đổ ngay từ đầu”, ĐB Thiện nói.

Đồng quan điểm này, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) còn cho rằng, dù chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK nhưng trong đề án chưa sẵn sàng cho việc xã hội hóa nên không có giải pháp, không đưa ra được nội dung nếu tổ chức cá nhân tham gia biên soạn thì biên soạn như thế nào. “Đề án chỉ chăm bẵm vào việc Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn”, ĐB Dung nhận định.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn khi nhận được ý kiến của các cử tri cho rằng nếu như Bộ vẫn biên soạn thì các trường công chắc chắn sẽ chọn SGK của Bộ chứ không mấy trường chọn SGK khác.

Trước lo lắng, khi có nhiều SGK khiến học sinh phải sử dụng nhiều SGK khác nhau cho một môn học, ông Đào Trọng Thi cũng khẳng định mỗi học sinh chỉ chọn một SGK cho một môn học thôi. Từng trường lựa chọn trên cơ sở giáo viên dạy môn học đó bàn và thống nhất với phụ huynh lựa chọn. “Cũng không sợ các trường chọn sách của Bộ đâu, nếu không tốt hoặc không phù hợp thì họ chọn sách khác”, ông Thi lạc quan nói.

Không được hỗ trợ ngân sách

Liên quan đến kinh phí cho việc biên soạn, không ít ĐB cho rằng đây là vấn đề quan trọng nên cần phải có cơ chế rõ ràng.

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cũng chỉ ra một bất cập, Bộ mà soạn SGK thì phải lấy ngân sách nhà nước mà nếu trường hợp các trường không dùng thì đồng nghĩa lãng phí. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng nhiều bộ sách nhưng không có nghĩa hàng chục hàng trăm bộ. Chỉ khoảng 5 bộ sách cho 1 môn học để các vùng miền có thể chọn cho phù hợp với điều kiện của mình. Nên tổ chức như đấu thầu đề tài cấp nhà nước trên cơ sở đó chọn ra 4, 5 nhóm rồi đầu tư cho các nhóm này viết, tránh lãnh phí nhiều nhóm. ĐB Bùi Thị An kiến nghị: “Viết sách xong ai đạt chuẩn thì trả tiền chứ không phải cung cấp tiền cho bất cứ ai đăng ký viết”.

Ông Đào Trọng Thi trấn an các ĐB khi khẳng định: “Tất cả các SGK không được hỗ trợ của nhà nước. Sẽ bán đấu giá bộ SGK mà Bộ chỉ đạo biên soạn cho các NXB, vì thế số tiền bộ SGK do Bộ chỉ đạo biên soạn cũng chỉ được tạm ứng thôi. Các SGK sẽ cạnh tranh bình đẳng, bộ nào tốt sẽ tồn tại. Nhà nước không nên hỗ trợ tiền vì như thế mới nâng cao trách nhiệm để có SGK tốt”.

Thẩm định độc lập, không phụ thuộc bộ sách nào

Lần này chúng tôi cũng chuẩn bị phương án khác là xã hội hóa hoàn toàn việc biên soạn SGK nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ phải biên soạn một bộ để đảm bảo tính chủ động. Thủ tướng Chính phủ cũng cân nhắc, nếu “buông” hết, tốt không sao nhưng nếu không thì lại có lỗi với nhân dân. Chứ không phải Bộ muốn “ôm” việc này đâu. Chúng tôi khẳng định: Dù Bộ có biên soạn hay không cũng không ảnh hưởng các bộ sách khác. Sách của Bộ thì Bộ cũng tổ chức giáo viên, các nhà khoa học tham gia biên soạn. Việc thẩm định cũng do Hội đồng thẩm định độc lập, không phụ thuộc bộ nào. Bộ sách của Bộ và các bộ sách khác cũng được thẩm định công bằng ở hội đồng này, nếu đạt chuẩn lưu hành thì Bộ sẽ có văn bản công nhận bộ đó hợp pháp, được lưu hành. Chúng tôi chỉ lo tác động mặt trái của cơ chế thị trường, các nhà sách tác động, có chia phần trăm nên việc lựa chọn có thể không còn là bộ sách phù hợp nhất.

Bản quyền thuộc tác giả viết SGK. Nếu tác giả bán cho NXB nào thì NXB trả tiền, còn nhà nước có thể miễn thuế.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Tuệ Nguyễn - Mạnh Quân - Trường Sơn

>> 3 lý do để Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK
>> Chỉ để kiến thức cần thiết trong SGK môn ngữ văn
>> Về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Hơn 34.000 tỉ đồng là 'sơ suất đáng tiếc
>> Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK
>> Tiếng Việt trong SGK thiếu chất văn
>> Sắp hoàn thiện đề án đổi mới SGK phổ thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.