Bụi đá "tấn công" trường học

28/10/2007 23:52 GMT+7

Hơn 1.000 học sinh tiểu học, mầm non đang học tập trong môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Chỉ cần đứng gần một xưởng chế tác đá, ngay lập tức thấy ê hết cả người vì những tiếng cắt, mài đá kin kít. Mặt mũi cũng sẽ được "tô điểm" bởi những lớp bụi đá. Vậy mà, hơn 1.000 học sinh tại đây đang phải học tập trong tình trạng đó.

Tồn tại hơn 30 năm, trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) trước đây vốn được coi là nằm ở vị trí yên tĩnh và độc lập, môi trường thiên nhiên trong lành tạo điều kiện tốt cho học sinh vui chơi và học tập. Vậy mà, vài năm trở lại đây, sự yên tĩnh lẫn môi trường trong sạch của ngôi trường đã không còn nữa. Xung quanh trường, nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng đá mỹ nghệ bắt đầu xuất hiện, bởi đang là thời kỳ ăn lên làm ra của ngành nghề này. Sự có mặt hàng loạt các cơ sở chế tác kéo theo những nguy cơ, mà đối tượng đầu tiên phải gánh chịu đó là học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên của trường. Những tiếng ồn của máy chẻ đá, mài, đục... không lúc nào ngừng khiến học sinh phải "làm quen" với môi trường học tập đầy tiếng động. Rồi thì bụi đá bay tứ phía, không học sinh nào không "thở ra hít vào" những lớp bụi dày đặc đó mỗi ngày. Việc vệ sinh của trường cũng là vấn đề nan giải bởi vừa dọn dẹp sạch sẽ, ngay lập tức bụi đã bám dày trở lại.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Lâm - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn thừa nhận tình trạng bụi đá và tiếng ồn gây ô nhiễm các trường học trên địa bàn quận, nhưng ngành giáo dục cũng "lực bất tòng tâm", chỉ đề nghị UBND phường yêu cầu các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ cam kết hạn chế hoạt động trong giờ học để giảm thiểu tiếng ồn và bụi bặm. Các hộ cũng đã có cam kết nhưng tình hình chưa cải thiện được bao nhiêu vì chỉ dăm bữa là đâu lại hoàn đấy.

Lâm vào hoàn cảnh tương tự là trường Mẫu giáo tư thục Hướng Dương, nằm cách trường Tiểu học Mai Đăng Chơn không xa. Gần 240 học sinh nhỏ tuổi của trường mẫu giáo này hằng ngày bị "tra tấn" bởi những tiếng rít ghê người của các loại máy mài, máy xẻ đá. Mỗi khi xe tải chở nguyên liệu về, đá tảng thả xuống rầm rầm khiến nhiều học sinh khiếp vía. Để bảo vệ học sinh khỏi môi trường ô nhiễm, lãnh đạo trường Hướng Dương đã âm thầm xây một bức tường với hy vọng chắn được những lớp bụi từ bên ngoài "tấn công" vào nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Cây cối, những chỗ vui chơi của học sinh cứ bị bám từng lớp bụi dày, các em suốt buổi chỉ ở trong lớp học đằng sau các cánh cửa đóng kín. Đến giờ trưa, các em chỉ được ngủ một giấc ngủ ngắn vì "cứ đến 1 giờ 30 chiều là các xưởng lại tiếp tục làm việc, mấy đứa nhỏ làm sao chịu nổi âm thanh khó chịu đó nên lục tục kéo dậy!"- cô Nguyễn Thị Hồng Phương, Hiệu trưởng trường bức xúc.

Trường Mầm non Ngọc Lan bị “kẹp” giữa hai cơ sở chế tác đá - ảnh: D.H

Đáng thương nhất là trường hợp của những học sinh trường Mầm non bán công Ngọc Lan. Nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, trường bị "kẹp" giữa hai xưởng chế tác đá. Mùa mưa thì đỡ, chứ mùa nắng, tất cả lớp học đều bị phủ những lớp bụi như những làn sương mờ. Bàn ghế trong lớp lau chùi chỉ độ 30 phút thì đã có một lớp bụi dày khác phủ lên. Vậy là các giáo viên vừa chăm bẵm học sinh, vừa phải thường xuyên lau chùi bàn ghế, vật dụng trong lớp để các em không hít phải bụi. Vào giờ ăn và giờ ngủ, học sinh của các lớp đều được dồn về phòng nào ít bị bụi đá "tấn công" nhất. Còn về tiếng ồn, cô giáo Thái Thị Thu Hiền nói: "Học mẫu giáo, quan trọng nhất là giờ dạy hát, rứa mà cô trò có hát hò được chi đâu. m thanh ở đây nhức cả tai, cô trò phải hò hét khản cổ mới nghe nhau được". Cũng chính vì tình trạng này mà chỉ tiêu năm học 2007 - 2008 của nhà trường là 200 cháu nhưng đến nay mới chỉ thu nhận 157 cháu. Mới đầu năm học mới, đã có khoảng chục phụ huynh rút hồ sơ, xin chuyển trường cho con.

Hầu hết các trường kể trên đều đã nhiều lần có kiến nghị, nhưng tình hình đâu lại hoàn đấy. Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ gây ô nhiễm về tiếng ồn và bụi bặm, việc sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ ở làng đá Non Nước còn nguy hiểm ở chỗ, các xưởng chế tác này dùng một lượng axít lớn để đánh bóng và làm nhẵn đá. Những loại hóa chất độc hại này vô tư thấm xuống đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước ở khu vực này. Được biết, vì lý do trên nên UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã có quy hoạch các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tập trung tại một địa điểm khác, xa khu dân cư và trường học. Nhưng dự án này vẫn chưa được triển khai, và học sinh cứ tiếp tục học tập trong môi trường ô nhiễm như thế...

D.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.