Các học giả Việt Nam nhận thêm 3 khoản tài trợ nghiên cứu khoa học của Mỹ

28/01/2021 11:37 GMT+7

Việt Nam vừa nhận thêm 3 khoản tài trợ nghiên cứu khoa học trong đợt công bố mới nhất của Chương trình Quan hệ Đối tác nhằm Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER) của Mỹ.

PEER là chương trình quốc tế nhằm tài trợ cho các nhà khoa học và các kỹ sư tại các nước đang phát triển có hợp tác với các nhà nghiên cứu Mỹ nhằm giải quyết những thách thức phát triển toàn cầu.
Đến nay, các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã nhận tổng cộng 20 khoản tài trợ trong khuôn khổ chương trình này (bao gồm 3 khoản tài trợ mới).
Mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố tài trợ trên 5,8 triệu USD cho 26 dự án nghiên cứu mới trên toàn cầu nhằm khám phá, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp đột phá cho những thách thức quan trọng trong phát triển quốc tế thông qua chương trình PEER.
Đây là chương trình do USAID tài trợ và được thực hiện bởi Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ. Các khoản tài trợ có giá trị từ 54.000 đến 300.000 USD.
Dưới đây là danh sách các nhà nghiên cứu của Việt Nam nhận tài trợ trong đợt công bố mới nhất của chương trình này:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Oanh (Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam và Thái Lan) sẽ nghiên cứu sử dụng vi sinh để loại bỏ các chất ô nhiễm độc hại từ đất ô nhiễm tại Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Nhà nghiên cứu Đặng Thương Huyền (Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) sẽ nghiên cứu về chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành công cụ loại bỏ chất ô nhiễm có trong đất tại Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khởi Nghĩa (Trường ĐH Cần Thơ) sẽ nghiên cứu các phương pháp loại bỏ chất ô nhiễm tiết kiệm chi phí thông qua phân tích đất và thử nghiệm các kỹ thuật kích thích sự phát triển của vi sinh vật để phân hủy chất gây ô nhiễm.
Được thành lập từ năm 2011, chương trình PEER đã hỗ trợ nâng cao năng lực về khoa học và nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu và các viện nghiên cứu trên toàn cầu. Sau 9 vòng trao tài trợ, chương trình PEER đã giúp hơn 300 nhà nghiên cứu ở trên 50 quốc gia tìm ra các giải pháp dựa trên bằng chứng để giải quyết những thách thức phát triển ở nhiều khu vực và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.