Cần có lộ trình hướng tới chuẩn quốc tế

06/06/2016 16:26 GMT+7

Đó là ý kiến nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM ngày 6.6.

Sáng ngày 6.6, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn, một trong những ngôi trường cố nhất Đông Nam Á, đã báo cáo với Bộ trưởng GD-ĐT kết quả sau 10 năm thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Theo đó, trường có hơn 50 phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, chức năng đạt chuẩn quốc tế, tuyệt đối không đào tạo, giảng dạy học sinh theo kiểu truyền thụ một chiều mà khuyến khích học sinh phát triển tư duy, năng lực… Hiện nay trường đã vào trong tốp 200 trường THPT có tỷ lệ học sinh đậu ĐH cao trong cả nước và xếp hạng khoảng 80, chỉ dưới các trường chuyên.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, lãnh đạo trường cũng cho biết trường đã chuẩn bị 31 phòng thi chính thức, 1 phòng dự phòng cùng các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, an ninh, an toàn trường học và trải qua 3 lần kiểm tra của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM…
Trao đổi với nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, dù TP.HCM có điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều địa phương trong toàn quốc, nhưng vẫn chịu áp lực trước nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng cho người dân. Nhưng TP nên tạo điều kiện để duy trì và phát huy truyền thống của trường đạt nhiều kết quả hơn nữa trong bối cảnh chung.
Không nên bằng lòng khi giáo viên đạt chuẩn 2
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bìa trái) thăm vườn rau của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) - Ảnh: Đ.N.T
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, trường cũng cần lưu ý: “Sắp tới chương trình và sách giáo khoa sẽ thay đổi, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Trường đã trên nền chuẩn thì cần có lộ trình để phát triển theo xu hướng quốc tế. Đầu tư vào nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên là rất quan trọng. Có chính sách duy trì công việc nhưng phải có kế hoạch nâng cao phát triển năng lực theo chuẩn mới. Cái gì chưa mạnh và còn yếu phải nhìn nhận đúng để đẩy mạnh. Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng giáo viên, vì thầy cô không “kiễng chân” được đâu. Bây giờ, khi mới tiếp cận với các chương trình tiên tiến, thầy cô có thể cố được, nhưng nếu đã chạm chân chuẩn quốc tế sẽ phải có sự đầu tư rất nhiều”.
Bộ trưởng nhìn nhận Trường THPT Lê Quý Đôn là mô hình rất tốt nhưng không phải trường nào, địa phương nào cũng có thể áp dụng được. Đồng thời Bộ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình với TP.HCM về việc không cào bằng, không đầu tư dàn trải mà thực hiện phân tầng chất lượng… Từ đó đặc biệt khuyến khích nhóm có điều kiện vươn tới chuẩn quốc tế và chú trọng hướng khó khăn để nâng cao dần chất lượng. Và ông Nhạ không quên nhấn mạnh: “Tăng cường cải thiện chất lượng nhưng phải bền vững”.
Riêng về công tác thi, Bộ trưởng lưu ý, trước kỳ thi các trường thông báo rõ để học sinh hiểu, nắm vững quy chế. Trong khi thi, việc coi thi phải đám bảo nghiêm túc, chấm dứt tiêu cực như phao thi, phương tiện công nghệ hỗ trợ quay cóp… Thương hiệu nhà trường xây dựng thì lâu nhưng phá vỡ thì dễ và nhanh. Còn sau thi là công tác chấm thi phải khách quan, công tâm, tránh việc đâu đó nhẹ tay vùng này, vùng kia…
* Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm và làm việc với Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Trường này có sự đầu tư về cơ sơ vật chất như lắp đặt 36 camera đảm bảo an toàn cho học sinh, tổ chức buổi giao lưu để tuyên truyền phòng tránh xâm hại cho trẻ em... Ngoài ra, hằng tháng ban giám hiệu còn tiếp xúc với học sinh từng khối lớp để lắng nghe tâm tư và phản ánh của học sinh, từ đó cùng thay đổi, phát triển nhà trường.
Tại đây, Bộ trưởng thể hiện sự ấn tượng với những tiết mục của học sinh tham gia các lớp kỹ năng như đàn tranh, võ thật… Bộ trưởng nói: “Thời gian biểu diễn ngắn nhưng qua đó thể hiện sự luyện tập chăm chỉ, có niềm đam mê… TP.HCM chỉ cần có 30% trường như mô hình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thật sự là tốt”.
Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm là trường có bề dày, cơ sở vật chất khá tốt. Bộ trưởng nói thêm hầu hết giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng đó là căn cứ vào lối truyền thụ cũ. Chúng ta phải hướng tới chuẩn theo mô hình mới là học từ thực tế nên phải bồi dưỡng, tránh tình trạng thấy 100% đạt chuẩn thì yên tâm. Và phải xây dựng đội ngũ giáo viên thể hiện năng lực tiếng Anh và công nghệ thông tin thì việc áp dụng mô hình mới sẽ chủ động và đạt hiệu quả cao hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.