Cần kiểm định chất lượng và phân tầng tốt

24/02/2017 10:39 GMT+7

PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng không phản đối tỷ lệ học ĐH tăng nhưng vấn đề là học sinh (HS) phải học đúng ngành, đúng nghề, đúng trường.

Vì vậy, phải hướng nghiệp ngay từ khi HS học THCS. Nếu không giải quyết được, số lượng HS vào ĐH sẽ ngày càng tăng cao trong khi chất lượng giáo dục vẫn giậm chân tại chỗ.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định để giải quyết việc này, phải có kiểm định chất lượng giáo dục ĐH thật tốt. Nếu trường đạt yêu cầu, sẽ có nhiều người học, không tốt thì sẽ không có người học. Xã hội cũng cần có quy trình tuyển dụng khắt khe hơn. Khi đó, trường nào được tuyển dụng nhiều sinh viên sẽ theo học đông. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh giữa các trường ĐH làm cho chất lượng nâng cao hơn.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng việc kiểm định cần phải độc lập, không liên quan đến Bộ GD-ĐT và có sự tham gia của nhiều thành phần.
Theo GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nếu chúng ta thừa nhận đại trà hóa ĐH thì giải pháp cho những băn khoăn về chất lượng là một mạng lưới các trường ĐH có phân tầng. Trên cùng là các trường ĐH lĩnh vực quốc lập có tính chất quốc gia đào tạo thiên về tinh hoa, theo diện rộng, liên ngành và chú trọng nghiên cứu khoa học. Các trường này sẽ đào tạo khoảng 20 - 25% tổng số sinh viên, sau ĐH khoảng 30 - 40%.
Thứ hai là các trường ĐH đa ngành đào tạo chủ yếu về kỹ thuật - nghề nghiệp có tính chất đại trà, đào tạo khoảng 40% tổng số sinh viên. Thứ ba là hệ thống ĐH cộng đồng ở một số địa phương để đào tạo đại trà 2 năm phù hợp với nhu cầu và ngành nghề của địa phương. Một số ít sinh viên giỏi ở các trường này có thể học các chương trình chuyển tiếp để thi chuyển vào các ĐH 4 năm khác.
Kinh nghiệm từ Đài Loan
Đài Loan có khoảng 160 trường ĐH. Nhưng do tỷ lệ sinh đẻ ngày càng giảm, dẫn đến các trường ĐH có thể đáp ứng nhiều hơn số người vào học ĐH. Vì vậy, HS Đài Loan cũng có thể vào học ĐH dễ dàng. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Đài Loan có sự phân tầng rõ rệt và triệt để. Giáo dục ĐH bao gồm các trường tinh hoa và trường kỹ thuật - công nghiệp. Trên đỉnh là Trường ĐH Quốc gia Đài Loan (tốp 50 thế giới). Mỗi năm, chỉ có 1% HS vào học và họ là những lãnh đạo, doanh nhân thành công... trong tương lai. Các trường ĐH tư thục, sinh viên có thể dễ dàng vào học.
Một nhóm khác không kém quan trọng trong hệ thống giáo dục là các trường ĐH kỹ thuật - công nghiệp. HS vào các trường này đến từ THPT nghề. HS học xong THCS có 2 sự lựa chọn: vào các trường THPT bình thường hoặc vào học trường THPT nghề (đều học 3 năm). Nếu chọn học nghề, đến khi tốt nghiệp có thể theo hệ thống trường ĐH kỹ thuật - công nghiệp hoặc tiếp tục tham gia kỳ thi vào các trường ĐH khác. HS ở các trường nghề chiếm khoảng 30% trên tổng số HS cả nước.
Cũng như các trường học, tổ chức kiểm định cũng mang tính chất phi chính phủ và độc lập hoàn toàn. Hội đồng đánh giá giáo dục ĐH và kiểm định chất lượng Đài Loan (HEEACT) là tổ chức kiểm định lớn nhất ở đây, kiểm định, đánh giá chất lượng tại 86 trường ĐH. Ngoài ra, Đài Loan hiện có 3 đơn vị kiểm định khác làm công việc như “hàng rào” quản lý chất lượng.
Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.