Cảnh báo nguy cơ mạo danh trường đại học lừa đảo sinh viên

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
19/05/2021 17:49 GMT+7

Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) cảnh báo nguy cơ cá nhân, công ty hoặc tổ chức mạo danh trường này để lừa đảo sinh viên.

Trong một thông báo mới đây, Phòng Chính trị - Công tác sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) khuyến cáo phụ huynh và sinh viên nâng cao cảnh giác trước các tình huống lừa đảo bao gồm giả danh nhà trường để tặng suất học bổng rồi buộc sinh viên đóng tiền và giả mạo giấy tờ (địa chỉ, logo của trường và chứng chỉ ngoại ngữ).
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi một phụ huynh phản ánh với HUFLIT về vụ việc bị nghi là giả danh nhà trường để lừa đảo sinh viên.
Phụ huynh cho rằng sinh viên A. (khoa Ngoại ngữ của HUFLIT) đã gửi về cho gia đình giấy báo nhận học bổng 100% chương trình đào tạo ngành đặc biệt, trị giá gần 50 triệu đồng.
Sinh viên A. yêu cầu gia đình gửi 150 triệu đồng để chứng minh tài chính mới có thể nhận được suất học bổng này. Tuy nhiên, sinh viên A. cho rằng số tiền này không nộp cho nhà trường mà chuyển cho một công ty V., nơi em đang đi làm thêm.
Trước đây, sinh viên A. từng bị vướng vào hệ thống đa cấp nên phụ huynh nghi ngờ và liên hệ với Phòng Chính trị - Công tác sinh viên thì mới phát hiện ra là không hề có chuyện nhà trường cấp học bổng và gia đình phải đóng tiền chứng minh tài chính. 

Năm 2020, nhiều sinh viên đã xin gia đình hàng trăm triệu đồng với lý do có học bổng du học để tham gia các lớp đa cấp trá hình

Mã Phong

Một trường hợp tương tự, sinh viên B. của HUFLIT cũng đưa cho gia đình một thông báo về học bổng. Tuy nhiên, người thân gia đình phát hiện giấy tờ có thông tin không rõ ràng, không có chữ ký và đóng dấu (trong tương tự của sinh viên A.) nên đã gọi lại trường để hỏi thì mới biết đó là giấy tờ giả mạo.
Không chỉ riêng HUFLIT, nhiều trường ĐH tại TP.HCM như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM...hàng năm đều cảnh báo tình trạng các đối tượng mạo danh, lôi kéo sinh viên vào bẫy như cấp học bổng, thư trúng tuyển chương trình quốc tế, du học, văn bản xác nhận và cam kết giữa nhà trường và gia đình... để chiếm đoạt tiền.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng hoạt động đa cấp bất chính cũng đã lôi kéo, dụ dỗ sinh viên lấy tiền cha mẹ để tham gia kinh doanh đa cấp... Trong một số trường hợp, số tiền bị lừa đảo lên tới 300 - 500 triệu đồng.
Trước đây, hàng loạt sinh viên của các trường đã đi theo các công ty đa cấp bất chính khiến phụ huynh phải từ quê nhà đến tận TP.HCM để tìm con. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.