Cha mẹ dạy gì cho con?: Giúp con trưởng thành theo cách của con

'Khi già, chúng ta trở thành người cổ lỗ thì con chúng ta đang làm chủ cái xã hội hiện đại của nó, con sẽ biết phải làm gì để thích nghi, biết hơn chúng ta đấy. Nên hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho con trưởng thành theo cách riêng của con'.

Rèn luyện kỹ năng sống hằng ngày

Thời gian gần đây, khái niệm “giáo dục kỹ năng sống” được nhắc đến khá nhiều, thậm chí đưa thành môn học vào nhà trường, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, kỹ năng sống không thể chỉ học trong lớp, cũng như ta không thể ngồi trong lớp học để học lái xe, kỹ năng được cần được rèn luyện thông qua các hoạt động trong cuộc sống. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Nếu như ở lớp, các thầy cô dạy cho học sinh kiến thức trong cuộc sống, ví dụ với các em bé là phải biết tự phục vụ, như tự mặc quần áo, tự dọn bát sau khi ăn…, thì về nhà bố mẹ phải động viên con thực hiện việc đó hằng ngày, dần sẽ thành kỹ năng. Hay như kỹ năng giao tiếp, nếu như mối quan hệ trong nhà trường chỉ có bạn bè và thầy cô, thì về nhà bố mẹ phải hướng dẫn con cách giao tiếp với hàng xóm, với họ hàng, với bạn bè của bố mẹ, càng mở rộng các giao tiếp, trẻ càng tự tin hơn.

Với áp lực học tập của trẻ em ngày nay, các em ngoài học trên lớp, về nhà lại ngồi vào bàn làm bài tập, rồi đi học thêm, nên việc không còn thời gian cho “kỹ năng sống”, vì vậy các bố mẹ cũng cần cân nhắc, sắp xếp thời gian học tập cho con hợp lý ở nhà, đừng chạy đua theo thành tích, đừng thấy con nhà hàng xóm giỏi toán mà bắt con mình học toán suốt ngày, hay thấy con cô ở cơ quan nói tiếng Anh giỏi, về lại bắt con mình học tiếng Anh, hãy để cho con có một tuổi thơ đúng nghĩa.

Làm bạn với con không chỉ là chơi cùng con

Ngoài phối hợp với nhà trường trong việc động viên con làm bài tập, hay rèn luyện kỹ năng sống, các bố mẹ cũng nên làm bạn với con, để hiểu con hơn, từ đó có những định hướng đúng đắn cho sự phát triển của con.

Tôi có một cô con gái, ngay từ nhỏ, tôi đã cố làm bạn với con. Làm bạn với con không chỉ là chơi cùng con, mà phải tập cách suy nghĩ như con, phải lý luận trên tư duy của con mới thành công. Hồi con gái tôi 3 tuổi, một lần cháu khóc, tôi hỏi: “Con bị làm sao thế?”, và rất bối rối khi con trả lời: “Con bị khóc nhè”… Tôi chợt hiểu ra, câu hỏi của mình đã sai, mình đã không nghĩ như một đứa bé. Lần sau tôi rút kinh nghiệm, thấy con khóc, tôi hỏi: “Làm sao con lại khóc?”. Khi đã học được cách nghĩ giống con, tôi làm bạn với nó dễ hơn.

Với trẻ con, tiếp nhận sự dạy dỗ của bố mẹ cũng như ăn cơm vậy, nếu ngon sẽ ăn nhiều, dở sẽ nhè ra ngay, vì vậy, việc coi bố mẹ như bạn bè, sẽ dễ hơn cho chúng ta giáo dục con mình.

Vậy nên, muốn làm bạn với con, không phải ta dành nhiều thời gian chơi với con là đủ, mà phải đóng vai một đứa bé ngay cả trong suy nghĩ của mình.

Không dùng quyền người lớn với con

Sẽ không thành công trong việc giáo dục con nếu ta có tư duy “trẻ con biết gì mà hỏi”. Khi trẻ hỏi, nghĩa là nó đã nghĩ đến vấn đề đó, đã nhận thức được điều đó và tò mò… Nếu ta chỉ nói “lớn lên con sẽ biết” sẽ không làm cho trẻ thỏa mãn được, con sẽ tìm các nguồn thông tin khác để tìm hiểu. Vậy nên, tốt nhất ta nên chia sẻ thẳng thắn với con, nghĩ theo cách của con để diễn đạt cho con hiểu vấn đề đó.

Hồi con gái tôi lớp 5, cháu đã tò mò về sinh sản, về tình dục, tôi cũng đã nói thẳng với nó với thái độ nghiêm túc về việc này, đến lớp 7 tôi cho cháu học một khóa về “tìm hiểu cơ thể bạn” với các kiến thức về tình dục, về sự phát triển của cơ thể và các nhận biết của tuổi này, để đến khi cháu dậy thì xong thì đã trang bị đủ kiến thức, từ đó cháu có thái độ phù hợp với chuẩn mực của tuổi mới lớn. Với trẻ, càng che đậy, chúng càng tò mò. Trong thời đại internet hiện nay, nếu chúng ta không định hướng và cung cấp thông tin trước, trẻ sẽ tự tìm trên mạng để tìm hiểu, như vậy, cũng không chắc, chúng có tìm được đúng thông tin lành mạnh không. Rt nguy hiểm.

Tôn trọng sự khác biệt

Mỗi đứa trẻ đều có ước mơ và sở thích riêng, còn bố mẹ thì luôn muốn con trở thành mẫu người nào đó mà mình muốn. Đừng mơ! Điều đó vừa khó, vừa làm khổ con mình. Tôi không thích quan điểm: “Bây giờ chịu khó, chịu khổ đi, sau này sẽ sướng”. Tội gì phải thế, hãy tìm cách nào đó để các con “bây giờ sướng đi, sau này còn sướng hơn”. Muốn như vậy, việc đầu tiên là phải tôn trọng con, tôn trọng những sở thích và ước mơ của nó, rồi ủng hộ con, đừng lấy chuẩn của người lớn, lấy giá trị mà mình coi là đúng để áp đặt lên con mình. Khi chúng ta già, chúng ta trở thành người cổ lỗ thì con chúng ta đang làm chủ cái xã hội hiện đại của nó, con sẽ biết phải làm gì để thích nghi, biết hơn chúng ta đấy. Nên hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho con trưởng thành theo cách riêng của con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.