Chọn ngành nghề ngay từ lớp 10

26/08/2014 03:00 GMT+7

Ở nhiều trường, ngay khi vào lớp 10, học sinh bắt đầu định hướng nghề nghiệp.

Đăng ký nguyện vọng

 
Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ vào lớp 10 Trường THPT Gia Định (TP.HCM)  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngay sau khi kết thúc việc nộp hồ sơ nhập học lớp 10 là lúc các trường THPT tại TP.HCM tổ chức cho học sinh, phụ huynh tìm hiểu về ngành nghề, các môn thi, khối thi ĐH.

Ông Hồ Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức, Q.Tân Phú cho biết cách để giúp học sinh chọn ngành học phù hợp: “Trước tiên trường cho học sinh đăng ký theo sở thích môn học, ngành nghề. Mỗi nguyện vọng đều có 2 lựa chọn. Sau đó trường sẽ có một bài kiểm tra hướng theo lựa chọn của các em, yêu cầu sẽ cao hơn bình thường một chút. Khi có kết quả, nhà trường cùng phụ huynh sẽ đánh giá xem học sinh có nên theo hướng đó không? Nếu học trò vẫn bảo lưu quan điểm, giáo viên vạch ra cho các em kế hoạch học tập để trả lời câu hỏi thích thì phải làm sao”.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn cũng tổ chức cho học sinh điền vào phiếu thông tin về môn học, ngành nghề mình yêu thích. Ông Nguyễn Minh Triết, Hiệu trưởng, cho biết: “Căn cứ vào đăng ký của học sinh, trường sẽ lên kế hoạch tổ chức việc học tập sao cho hiệu quả”.

Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn tổ chức buổi sinh hoạt đầu năm, mời phụ huynh học sinh trúng tuyển tham dự. Nhân viên phòng tư vấn hướng nghiệp của trường sẽ giới thiệu đặc trưng các ngành học và một số tiêu chí học sinh có thể sử dụng để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, tính cách… Sau khi học sinh nắm bắt thông tin, trường tổ chức cho đăng ký nguyện vọng. Trên cơ sở này trường sẽ xếp lớp và có kế hoạch học tập cụ thể.

Các tiêu chí chọn nghề cho phù hợp

Theo ông Trần Đình Hương, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, các yếu tố học sinh cần phải kết hợp để định hướng nghề nghiệp cho mình bao gồm: Điều kiện về ngoại hình, sức khỏe, tính cách, các kỹ năng cần thiết… có phù hợp để thành công với nghề đã chọn hay không; Tìm hiểu kỹ công việc sẽ làm, hướng phát triển trong tương lai, tuổi thọ của nghề, thời gian học, khả năng tìm được việc làm khi ra trường, mức thu nhập; Tham khảo ý kiến ba mẹ, thầy cô và bạn bè để có cái nhìn khách quan; Lên các website tư vấn hướng nghiệp hay trực tiếp đến trung tâm tư vấn hướng nghiệp để tìm hiểu và làm các bài trắc nghiệm chọn nghề để tham khảo thêm ngành phù hợp; Tìm hiểu trường học bằng cách đến trường hoặc lên website của trường để biết về cơ sở vật chất, giáo trình, chương trình đào tạo, mức học phí…; Trao đổi với anh chị sinh viên các năm trước để biết thêm các thông tin về học tập, môn học, giảng viên, so sánh chất lượng đào tạo giữa các trường...

Ông Hoàng Hữu Vinh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú lưu ý: “Nếu thích tính thực tiễn, tính chính xác thì các em nên chọn ngành kỹ thuật. Nếu thích đặt vấn đề, xem xét các khía cạnh của một vấn đề thì có thể học các ngành liên quan đến việc nghiên cứu khoa học. Nếu có năng khiếu về nghệ thuật thì chọn các ngành học có các yếu tố này… Nếu có khả năng giao tiếp tốt, thích kinh doanh thì có thể chọn các ngành kinh tế, ngoại thương…”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Huyền Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) cho rằng mỗi học sinh có một tính cách khác nhau. “Hãy hỏi bản thân mình thích môi trường làm việc sôi nổi, hoạt bát hay nghiên cứu để chọn nghề phù hợp. Riêng học sinh chọn nghề nghiệp liên quan đến môn tiếng Anh thì cần có tính cách năng động, nhanh nhẹn, luôn học hỏi, thích tiếp cận cái mới và thích đi đây đi đó. Và đặc biệt, việc chọn nghề phù hợp tùy thuộc vào năng khiếu, yêu thích và đừng quên thể trạng của mình”.

Bích Thanh

>> Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố 3 phương án cho một kỳ thi chung
>> Vĩnh Long tiếp nhận dự án hỗ trợ phát triển giáo dục
>> Ngành giáo dục xét tuyển đặc cách ứng viên tốt nghiệp đại học loại giỏi
>> TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non
>> Tập huấn truyền thông về sự nghiệp giáo dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.