Chương trình tiếng Anh theo đề án: Thiếu giáo viên đạt chuẩn

30/09/2015 04:53 GMT+7

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 với kinh phí gần 9.400 tỉ đồng, thí điểm từ năm 2010 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu giáo viên đạt chuẩn.

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 với kinh phí gần 9.400 tỉ đồng, thí điểm từ năm 2010 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu giáo viên đạt chuẩn.

 
Từ năm học 2012 - 2013, TP.HCM triển khai tiếng Anh đề án cho học sinh lớp 1. Đến năm học này, chương trình đã thực hiện đại trà ở các trường tiểu học
Từ năm học 2012 - 2013, TP.HCM triển khai tiếng Anh đề án cho học sinh lớp 1. Đến năm học này, chương trình đã thực hiện đại trà ở các trường tiểu học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học xong tiểu học, bắt đầu học lại tiếng Anh ở lớp 6
Tại TP.HCM, năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT chọn 9 trường của 5 quận để thí điểm chương trình tiếng Anh theo đề án từ lớp 3. Theo nhận xét của chuyên viên một phòng giáo dục, sự “tréo ngoe” về chương trình này thể hiện rõ vào năm học 2013 - 2014, năm thực hiện lộ trình thí điểm ở bậc THCS. Theo nguyên tắc, những học sinh (HS) tiểu học tham gia chương trình này sẽ tiếp tục theo học chương trình tương ứng ở bậc THCS. Tuy nhiên, trong 5 quận được chọn thí điểm bậc tiểu học chỉ có HS của Q.3 tiếp tục theo học chương trình này ở THCS.
Dạy cả chương trình cũ, mới
Năm học này, nhiều trường THCS ở Đà Nẵng áp dụng đại trà chương trình Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 nên tất cả HS từ bậc tiểu học dù đã học hay chưa học tiếng Anh đề án lên lớp 6 đều học chương trình đề án khiến cả HS lẫn GV đều lúng túng.
“Chúng tôi đã cho HS thử làm bài kiểm tra đầu năm thì chỉ 40% HS vào lớp 6 đạt điểm trên trung bình, chủ yếu nhờ phụ huynh đầu tư cho các em học ngoại ngữ thêm ngoài chương trình. Vì vậy, hiện nay chúng tôi phải áp dụng theo cách dạy đan xen vừa cũ vừa mới cho linh hoạt”, cô Lâm Hương Giang, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ Trường THCS Trưng Vương, nhận xét.
Diệu Hiền
Phụ huynh một trường THCS Q.Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh trường vẫn tồn tại 2 chương trình tiếng Anh mới (đề án) và cũ (tiếng Anh 7 năm) trong cùng một trường. Một phụ huynh ở trường này chia sẻ: “Con tôi đã được học ngoại ngữ đề án ở tiểu học nhưng lên THCS lại gần như phải học lại từ đầu khiến nhiều lúc cháu rất nản”. Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: “Về mặt nguyên tắc, tất cả những HS đã học chương trình ngoại ngữ mới đủ 4 tiết/tuần ở cấp tiểu học đều được học tiếp chương trình mới ở cấp THCS. Có thể có trường hợp HS tuy được học chương trình mới nhưng chỉ được học 2 tiết/tuần nên chưa được xếp vào diện đã hoàn thành chương trình tiếng Anh mới ở bậc tiểu học”.
Đã hạ chuẩn mà vẫn thiếu giáo viên đủ yêu cầu
Nhìn chung, giáo viên (GV) dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, song do được đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau, từ chính quy, tại chức đến từ xa và từ nhiều trường khác nhau nên chất lượng không đồng đều. Chính vì vậy, yêu cầu về chuẩn theo khung năng lực châu Âu thì số lượng GV đạt chuẩn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Năm đầu tiên thực hiện chương trình tiếng Anh mới, Bộ đưa ra chuẩn về năng lực ngoại ngữ của GV tiểu học phải đạt trình độ B2 theo khung năng lực châu Âu. Tuy nhiên, nếu giữ chuẩn này thì nhiều địa phương không “bói” đâu ra GV để dạy thí điểm nên Bộ đã phải hạ chuẩn với GV tiểu học là B1. Mặc dù vậy, các tỉnh vẫn rất chật vật triển khai đề án với lý do quá thiếu GV đạt chuẩn.
Khi đề cập đến việc triển khai chương trình tiếng Anh đề án cho cấp THCS trong gần 2 năm nữa, chuyên viên các phòng giáo dục tại TP.HCM đều lo ngại vì số lượng GV tiếng Anh đạt chuẩn chưa thể đáp ứng. Chẳng hạn, ngay quận trung tâm của thành phố có khả năng thu hút GV tiếng Anh nhưng khoảng 1/3 số trường vẫn chưa có GV đạt chuẩn B2 theo quy định. “Nếu sang năm triển khai, có khi phải xếp GV trình độ B1 để dạy”, chuyên viên tiếng Anh ở một quận trung tâm cho biết. Tình hình tương tự ở một quận nội thành khác. Quận này chỉ có khoảng 30% GV tiếng Anh bậc THCS đạt chuẩn B2.
Có thể chấp nhận các chứng chỉ quốc tế thông dụng
Trước đây đã từng có đề xuất cho rằng trong tình hình hiện nay phải dựa vào các hệ thống kiểm tra quốc tế thông dụng để khảo sát GV. Bộ GD-ĐT ra thông báo nói rõ các hệ thống kiểm tra nào được sử dụng để công nhận đạt chuẩn.
Có thể chấp nhận các chứng chỉ thông dụng hiện nay như IELTS, TOEFL, thậm chí TOEIC và thông báo nói rõ với từng loại thì yêu cầu như thế nào. Sau đó thông báo rộng rãi cho GV, họ được tự chọn một trong các hệ thống kiểm tra nói trên để thi. Họ có thể học ở bất kỳ trung tâm ngoại ngữ hay trường đại học nào mình chọn với điều kiện nơi này không được tổ chức thi. Khâu tổ chức thi cũng phải nghiêm túc và vì các hệ thống kiểm tra đa số là của nước ngoài nên cứ để nước ngoài tổ chức, không để tình trạng giao một số trường ĐH vừa dạy vừa kiểm tra như hiện nay.
Sở GD-ĐT Hà Nội những ngày đầu rà soát lại trình độ GV cũng khiến dư luận sốc trước thông tin rất nhiều GV tiếng Anh cần đến… phiên dịch khi tham gia các buổi tập huấn với chuyên gia nước ngoài.
Tình trạng chưa đáp ứng kịp điều kiện dạy ngoại ngữ theo chương trình mới ở THCS cũng xảy ra ở Ninh Bình. Ông Nguyễn Đình Tiến, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết trường THCS vẫn thiếu GV để có thể dạy hết lứa HS đã hoàn thành chương trình tiếng Anh mới ở bậc tiểu học. So với khung năng lực ngoại ngữ châu Âu cấp THPT, tỉnh này mới có 8 GV đạt trình độ C1, tiểu học có 1 GV đạt B1, cấp THCS chưa có GV nào đạt trình độ B2 theo quy định.
Tương tự, tại Thanh Hóa, những năm đầu gần 2.400 GV toàn tỉnh chỉ có 53 GV tiểu học, 44 GV THCS, 2 GV THPT đạt chuẩn. Số GV này tập trung chủ yếu ở các trường thuộc khu vực đồng bằng và thành phố.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia ngoại ngữ của Đề án Dạy học ngoại ngữ 2020, nhìn nhận: “Về yếu tố người thầy thì đáng buồn là trình độ thấp quá, đi huấn luyện mới thấy, trừ các thầy dạy ĐH, còn đa số là trình độ rất thấp”. Theo ông Hùng, đợt 1 thi kiểm định chất lượng trình độ B2, có 92 - 98% GV trên tổng số 8.000 GV được khảo sát, điều tra trên toàn quốc không đạt. Ông Hùng cho rằng đã đề ra cho 9 trường ĐH làm nhiệm vụ nâng chuẩn cho GV lên trình độ B2, C1 và cần phải giải quyết một cách tích cực thì trình độ thật mới lên.
Gấp rút tìm giải pháp nâng chuẩn
Để đảm bảo HS đã hoàn thành chương trình tiếng Anh mới từ tiểu học được tiếp tục học lên THCS và THPT thì nỗi lo lớn nhất của các tỉnh là trình độ GV. Đây là một thách thức đối với các địa phương.
Hà Nội có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng GV từng bước. Phấn đấu đến năm 2020, 100% GV tiếng Anh các cấp học được đào tạo lại, bồi dưỡng và có chứng chỉ theo chuẩn quốc tế TOEFL; IELTS, FCE hoặc tương đương. Phấn đấu đến hết 2015, 60% GV tiếng Anh có thể nghe và hiểu bài do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, không cần phiên dịch...
Trong giải pháp để nâng chuẩn GV, tỉnh Ninh Bình không hỗ trợ kinh phí để bồi dưỡng và đào tạo lại tất cả GV chưa đạt chuẩn mà phân theo từng trình độ khác nhau. Khoảng 110 GV tiếng Anh tiểu học và THCS trình độ A1 phải tự bỏ kinh phí tự học để có trình độ tối thiểu A2, khoảng 50 GV THPT phải tự học để đạt trình độ tối thiểu là B1. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu mỗi GV được hỗ trợ một lần kinh phí thi khảo sát cấp chứng chỉ năng lực, nếu dự thi không đạt lần sau thì phải đóng góp kinh phí theo quy định.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết những GV chưa đạt chuẩn cần chủ động có kế hoạch tự bồi dưỡng, đăng ký tham gia các khóa bồi dưỡng, khảo sát để đạt chuẩn theo yêu cầu. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc bố trí lại công tác với những GV năng lực hạn chế, chưa đạt yêu cầu theo chuẩn từ năm 2017. Từ năm học này, chỉ tuyển dụng GV có đủ trình độ và chứng chỉ, nhận thức đạt chuẩn quy định theo từng cấp học.
Kế hoạch dạy học ngoại ngữ theo đề án của nhiều địa phương cũng đều đề ra quy định nếu đến năm 2020 vẫn còn GV không đạt chuẩn, sẽ thực hiện việc sắp xếp các công việc khác phù hợp. Tuy nhiên, nếu không có chế độ, chính sách phù hợp thì rất nhiều GV sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm và dẫn tới khiếu kiện tràn lan như đã từng xảy ra.
 
Thay sách khiến HS học lại từ đầu
Đó là thực tế của HS lớp 2 chương trình tăng cường tiếng Anh của TP.HCM khi chuyển từ sách Family and friends 1 của NXB Oxford sang cuốn Family and friends special edition 2 (phiên bản mới) do Sở GD-ĐT TP.HCM, NXB Giáo dục và NXB Oxford phối hợp biên soạn, phát hành.
Chuyên viên tiếng Anh các phòng giáo dục xác nhận khi áp dụng phiên bản mới HS phải học lại các bài đã học từ lớp 1. Khi phát hiện bất cập này, các chuyên viên hướng dẫn GV “chữa cháy” bằng cách mở rộng vốn từ để giúp HS không nhàm chán.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.