Có nên đổ xô học đại học ? - Kỳ 3: Phân luồng học sinh phù hợp nhu cầu nhân lực

09/06/2015 05:17 GMT+7

Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh diễn đàn Có nên đổ xô học đại học?.

Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh diễn đàn Có nên đổ xô học đại học?.

“Nút cổ chai” vào ĐH…
Hàng chục năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT rất nặng nề, rồi đến kỳ thi tuyển sinh ĐH căng thẳng nhưng cuối cùng chỉ có cùng lắm 40% học sinh vào được ĐH, CĐ (năm nay kỳ thi này thay đổi). Số còn lại sau 12 năm học “ném” ra đời nhưng không có nghề, chỉ làm lao động giản đơn. Tôi chứng kiến rất nhiều người học xong 12 năm đi làm giúp việc gia đình. Không có nước nào trên thế giới như vậy. “Nút cổ chai” vào ĐH gây một tâm lý căng thẳng trong xã hội. Chính vì vậy mới có chuyện cắm đầu cắm cổ vào dạy thêm, học thêm tiêu cực, chạy bằng, chạy điểm... Những bất cập đó phải được khắc phục.
Tôi chỉ xin nêu một phương án giải quyết: hằng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) học sinh vào THPT như hiện nay, còn lại là vào trung học nghề. Cả hai loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình trường đó học sinh đều có quyền được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ đều hợp lý.
Tuy nhiên, loại hình trường trung học nghề thì nên có nhiều nghề cho học sinh lựa chọn, tốt nghiệp ra trường là đã có một nghề thực sự có thể làm việc được hoặc có thể tiếp tục học lên cao hơn tùy nhu cầu và khả năng của từng người. Điều cốt yếu là từng chặng một ra đời là có thể có nghề ở các cấp độ khác nhau.
GS Hoàng Tụy
Cần thực hiện tốt việc hướng nghiệp cho học sinh
Nguyên do là tâm lý xã hội ở nước ta đang nặng về bằng cấp và coi nhẹ lao động chân tay. Các trường phổ thông chưa hướng nghiệp tốt cho học sinh chọn nghề phù hợp. Chưa có sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH trong việc phân luồng. Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được thiết kế với các luồng cần thiết sau các bậc học để thực hiện phân luồng.
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải được thiết kế với các luồng cần thiết sau các cấp, bậc học. Cần thực hiện tốt việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đặc biệt là sau cấp phổ cập bắt buộc giúp các em có thể chọn được nghề phù hợp với cá nhân cũng như với yêu cầu của xã hội để một mặt có thể phát triển được nhân cách của bản thân đồng thời có thể cống hiến được nhiều cho xã hội.
GS Nguyễn Minh Đường (Viện Khoa học giáo dục VN)
Vào ĐH là mong muốn chính đáng
Mong muốn thi vào ĐH là mong muốn hết sức tự nhiên và chính đáng của các bạn trẻ. Đi học đại học cũng là một trải nghiệm chính đáng, và bằng đại học cũng có một giá trị nhất định. Nhưng nó không phải là tất cả. Vì vậy, nếu ai chẳng may không lên được ĐH thì đừng có buồn. Cứ chọn cho mình con đường khác. Chỉ cần có quyết tâm thì bạn sẽ tới đích như bao người thành công khác mà thôi.
Diễn giả Huỳnh Minh Thuận
Người thành công buộc phải có kiến thức rộng
Vào đại học là niềm mơ ước của bất cứ ai. Có một tấm bằng để xin việc là cần thiết trong bất cứ xã hội nào, đất nước nào. Một người thành công, buộc phải có kiến thức rộng, phải giỏi nhiều lĩnh vực, phải có tầm nhìn xa. Thành công sẽ đến với những ai ham học hỏi, ham nghiên cứu, đam mê và sống hết mình, cháy bỏng với đam mê mà mình đã chọn.
Mai Triều Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH công nghệ di động Mai Nguyên)
Hãy chọn con đường phù hợp với năng lực
Trong một xã hội vẫn trọng bằng cấp hơn thực tài thì việc đua nhau vào đại học là điều tất yếu. Hơn nữa tấm bằng đại học là giấy thông hành cho buổi ban đầu khởi nghiệp. Không có gì sai khi người ta phải phấn đấu để có được tấm giấy thông hành đó.
Chỉ có điều cả phụ huynh và học sinh nên lượng sức mình để chọn cho mình một con đường phù hợp với năng lực. Vì nếu không thể học đại học thì nên chọn con đường cao đẳng hoặc trung cấp, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa không mất quá nhiều công sức cho việc phải thi lại, học lại vì không có đủ năng lực học đại học. Xã hội vẫn có rất nhiều việc cho trình độ trung cấp và cao đẳng.
Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí (Giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)
Nhiều con đường dẫn đến thành công
Với nhiều người, đại học là con đường nhanh nhất và an toàn để trang bị cho mình một vốn tư duy để lập nghiệp. Thế nhưng cần hiểu rằng, vào đại học chỉ là một điều kiện để dễ đến với thành công chứ không hẳn là sẽ một sự đảm bảo để thành công. Mỗi bạn trẻ cần phải xác định được mục tiêu cuộc đời và điều kiện mình hiện có để chọn lựa con đường cần đi. Ngoài đại học còn nhiều con đường khác có thể dẫn đến thành công như: học nghề, tự kinh doanh, phụ gia đình kinh doanh...
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.