Cô tận tâm, trò tiến bộ

18/11/2009 10:58 GMT+7

Nhờ sáng kiến của các giáo viên trong việc phụ đạo học sinh yếu kém, hướng nghiệp sớm... mà nhiều học sinh đã được tiếp sức để vào đời.

Phụ đạo học sinh (HS) yếu kém là công việc rất khó khăn, bởi các em thường có tâm lý chán học. Thế nhưng cô Nguyễn Thị Kiều, giáo viên môn văn tại Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2- TPHCM), được đồng nghiệp đánh giá cao vì có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong việc dạy HS yếu kém. Cô Lê Thị Nhung, giáo viên môn toán Trường THCS Lê Văn Tám, cũng được đồng nghiệp đánh giá cao về sáng kiến hướng nghiệp cho HS.

Dạy học theo đối tượng

Với 21 năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Kiều cho rằng văn là môn khó học, vì vậy dạy cho HS trung bình, yếu kém hiểu bài thật không dễ dàng. Ngoài ra, do môn văn ngày càng không được HS coi trọng như những môn học khác và phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em mình... dẫn đến HS ngày càng yếu kém và từ đó sẽ cảm thấy chán môn học này.     

Bí quyết dạy học của cô Kiều là: “Cần phải hiểu từng đối tượng HS để xác định nguyên nhân và có kế hoạch phụ đạo cụ thể cho từng em”. Đối với những HS năng lực cảm thụ tác phẩm còn thấp cũng như tâm lý không coi trọng môn học này, phương pháp của cô là  cụ thể hóa hình tượng, nhân vật. Đưa tác phẩm về với thực tế, gắn đời sống nhân vật với đời sống thực, đưa ra những hình ảnh, sự kiện, tình huống để các em hiểu. Với nhóm đối tượng này, cô phải dò bài thường xuyên, chỗ nào các em chưa hiểu thì giảng lại 1 lần, 2 lần... giảng cô đọng, đầy đủ và dễ hiểu, giảng đến lúc hiểu mới thôi.

Nhưng cũng có những HS yếu kém môn văn do không có sự quan tâm của gia đình, thậm chí có những em mất niềm tin với cuộc sống... Với nhóm đối tượng này, cô Kiều tiếp cận tìm hiểu từng em để giúp đỡ các em về mặt tinh thần, thông cảm, sẻ chia, tiếp thêm nghị lực để các em có niềm tin và hy vọng.

Cô Kiều kể: “Năm học vừa qua, khi kiểm tra thì phát hiện một HS nữ bị hổng kiến thức. Tôi đã tâm sự với em thì được biết cha mẹ đã ly dị và không quan tâm đến em. Tôi đã chia sẻ và đề nghị em tới nhà mình để được giúp đỡ”. Từ đó đến nay, HS này học tiến bộ dần...

Với những sáng kiến kinh nghiệm phụ đạo HS yếu kém, nhiều HS đã thi tốt nghiệp với điểm môn văn từ 6 trở lên (chiếm hơn 50%). Với cô, đó là con số có ý nghĩa nhất.       

Hướng nghiệp sớm

Cô Lê Thị Nhung trong giờ dạy toán hôm 17-11. Ảnh: T.Lê

Là giáo viên dạy toán khối 8, 9 của Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh- TPHCM) nhiều năm, vì lòng yêu nghề nên cô Lê Thị Nhung đã nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và cả trong công tác chủ nhiệm.

Cô kể, trong một kỳ thi cách đây vài năm, khi hầu hết HS đều “bó tay” trước câu hỏi về việc khánh thành cầu Mỹ Thuận - cô đã nhận thấy cần phải đưa thời sự đến với HS. Từ đó, cô yêu cầu các em phải thường xuyên theo dõi báo, đài và mỗi tuần, đến giờ sinh hoạt, các em sẽ cùng nhau điểm lại tình hình thời sự nổi bật.

Trong số những sáng kiến của mình, cô Nhung tâm đắc nhất là sáng kiến về định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 9. Ngay ngày đầu tiếp xúc với HS, cô cho các em viết về ước mơ nghề nghiệp. Sau đó, xếp các em có cùng ước mơ nghề nghiệp vào một nhóm và đặt tên cho từng nhóm, như nhóm bác sĩ, nhóm kỹ sư... Rồi cô làm việc với từng nhóm, cung cấp thông tin cho các em về các trường ĐH nào đào tạo các ngành nghề các em yêu thích, phải thi khối nào và phải chuẩn bị như thế nào... 

“Tôi nêu những thuận lợi, khó khăn cho các em thấy. Tôi yêu cầu từng nhóm lên mạng đọc những tư liệu về ngành nghề mình chọn, đọc những tài liệu nói về nghề nghiệp đó để các em nhìn thấy cả mặt trái của ngành nghề”- cô Nhung kể. Các nhóm còn lên thuyết trình trước lớp về nghề nghiệp của mình, trả lời câu hỏi của các bạn nêu ra. Sau cùng sẽ là đánh giá và phân tích của cô Nhung để các em hiểu rõ hơn và có quyết định đúng đắn cho nguyện vọng nghề nghiệp tương lai.

Nhờ sáng kiến này, HS của cô đậu ĐH với tỉ lệ cao. Nhiều em đạt kết quả cao như Vũ Hoàng Linh - thủ khoa ĐH Ngoại thương năm 2001, Nguyễn Viết Cường - thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM năm 2003, Nguyễn Trần Quỳnh An - thủ khoa ĐH Quốc tế năm 2003...

Cô có nhiều kỷ niệm vui trong quá trình dạy học của mình, nhưng ấn tượng nhất là từng tư vấn cho em Nguyễn Trọng Tín, một HS chuyên văn chuyển sang học chuyên toán. Kết quả, Tín đã đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Toán học toàn quốc và hiện giờ đang học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Đến nay, cô Nhung đã có gần 30 năm gắn bó với nghề. Tỉ lệ HS xuất sắc hằng năm của cô luôn xấp xỉ 40%, HS giỏi là 45%, HS khá từ 12%-15%. Cô từng bồi dưỡng cho nhiều HS đạt giải HS giỏi toán cấp TP, quốc gia.

Cô tâm sự: “Khi những cố gắng của mình đạt kết quả tốt, được HS tin yêu - tôi vô cùng hạnh phúc và đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời dạy học của mình”.

Theo Huy Lân - Thanh Lê / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.