Con bị điểm thấp, không thích làm bác sĩ có phải là bi kịch ?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/01/2021 08:44 GMT+7

Nhìn bảng điểm của con mình, không ít phụ huynh thất vọng nếu như điểm một số môn bị thấp. Hoặc thấy con thích nấu ăn, mê may vá hơn học tập, sẽ mang trong lòng nỗi lo liệu sau này con có thành công?

Mẹ muốn con trở thành bác sĩ, con chọn nghề bếp

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương là giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, kể lại: “Từ lúc sinh con và nuôi con, tôi luôn nghĩ rằng khi đến tuổi 18, con tôi sẽ bước vào giảng đường của trường ĐH và trở thành một bác sĩ. Tôi luôn hy vọng con mình sẽ viết tiếp ước mơ dang dở của tôi… Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp THPT, con nói: “Mẹ ơi, con không học ĐH. Mẹ cho con chọn nghề bếp mẹ nhé!”. Lúc đó cả bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi, bao nhiêu hy vọng dường như tan biến. Tôi không sao chấp nhận sự thật này. Ai hỏi con tôi học trường ĐH nào tôi đều giấu nước mắt quay đi”.
Con trai chị Phương là một học sinh hiếm hoi ở địa phương học trường chuyên của tỉnh và với điểm thi thử ĐH là 29, trong suy nghĩ của chị, lẽ ra con phải đăng ký trường y, vậy mà lại chọn nghề bếp - một cái nghề mà chị Phương chưa từng nghĩ đến. Đau khổ vì lựa chọn của con, chị Phương ép con chọn lại không được nên đã không liên lạc với con trong suốt 1 năm. Thời gian này, con trai chị tự lên TP.HCM đi làm thêm kiếm tiền học ngành bếp của một trường trung cấp.
“Nhiều lần tôi biết cháu về nhưng đợi lúc mẹ đi dạy học mới dám vô nhà. Đến một ngày, con tôi trở về và mang chiếc chiếc cúp giải nhất nghề nấu ăn của trường đưa cho mẹ. Lúc này tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ và trong lòng bắt đầu theo dõi bước đi của con. Sau đó, con đạt giải nhì cuộc thi cấp thành phố và huy chương vàng cấp quốc gia. Càng nghĩ lại tôi càng cảm thấy ân hận và thương con. Nếu ngay từ đầu tôi phát hiện và bồi dưỡng đam mê này của con, gạt bỏ sĩ diện của người làm mẹ, thì có lẽ chúng tôi đã không phải trải qua suốt một năm đau khổ và có thể con còn đạt được nhiều thành tựu tốt hơn nữa”, chị Phương bày tỏ.
Con trai chị Phương vừa trúng tuyển vào làm đầu bếp trên một du thuyền lớn của Mỹ sau 3 vòng thi tuyển và được ký hợp đồng 3 năm. Trước đó, cậu từng làm đầu bếp ở nhiều nhà hàng, khách sạn 4 - 5 sao. Không chỉ con trai chị Phương mà con gái thứ 2 của chị Phương cũng bộc lộ thiên hướng từ nhỏ là thích may vá, thời trang đã quyết định đi học nghề may thay vì học tiếp vào lớp 10 và hiện giữ một vị trí khá tốt trong một công ty may mặc.

Phụ huynh cũng cần được định hướng

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và giao lưu quốc tế (thuộc ĐH Huế), cho rằng giáo dục của chúng ta đang hiểu theo một chiều, không ai nghĩ phụ huynh cũng cần được định hướng.
“Phụ huynh chưa được định hướng đúng, không có ai nói cho phụ huynh biết về vấn đề phát hiện và tôn trọng sở trường, sở thích, thiên hướng của con. Cha mẹ vẫn lan truyền những quan niệm là con lớn lên phải làm bác sĩ, kỹ sư mới tốt, mới thành công. Vì thế, không cần biết con có thích nghề đó hay không, vẫn áp đặt và ép con phải học thật giỏi các môn toán, văn, lý, hóa... để sau này chọn các ngành học liên quan đó”, bà Kim Ngân nêu quan điểm.
Chi Phan Hồ Điệp, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam, lý giải nguyên nhân của việc này: “Rất nhiều năm nay, việc đánh giá học sinh vẫn chỉ dựa trên điểm số, coi điểm số là thước đo của việc giỏi - không giỏi, Phụ huynh quên rằng con người có tới 8 loại hình trí thông minh và mỗi người có thể sở hữu loại hình trí thông minh nào đó. Việc được khích lệ để mỗi trẻ thể hiện điểm mạnh, được phát huy tối đa loại hình trí thông minh mà mình sở hữu là điều rất tuyệt vời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.