Đại học VN cần kéo các nước đến với mình

07/02/2011 16:15 GMT+7

Theo xu thế phát triển, không chỉ ra thế giới mà các trường ĐH ở VN cần phải kéo các nước đến với mình.

Chương trình tiên tiến: Bước tiến của hợp tác đào tạo

Hiện các  trường ĐH ở VN đang có nhiều mô hình hợp tác với các nước.   Đó là  2+2 (2 năm học tại VN, 2 năm ở nước đối tác), 2+3 (sau 2 năm học ở VN, sinh viên (SV) có 2 năm học tại nước đối tác để hoàn tất cử nhân và học tiếp 1 năm lấy bằng thạc sĩ), 1+1  (1 năm ở VN, 1 năm ở nước đối tác) cho các chương trình thạc sĩ, cử nhân tiên tiến (dạy bằng tiếng Anh trong 4 năm tại VN), trao đổi SV, trao đổi học giả…

Các mô hình trên mang tính du học tự túc, giúp SV tiết kiệm chi phí du học. Tuy nhiên, những  chương trình này không thể đào tạo được số lượng lớn SV VN đi học ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ. Ngoài ra, đối với những mô hình này, khi giảng viên nước ngoài vào VN dạy thường có chi phí rất cao nên các lớp được thiết kế theo dạng “intensive program” (tạm dịch học nặng). Nghĩa là số tiết học như một học kỳ nhưng thời gian học chỉ có khoảng 2-3 tuần. Chính vì thế, SV VN sẽ gặp nhiều khó khăn khi học chương trình này.

Chương trình tiên tiến đang được Bộ GD-ĐT triển khai là mô hình có rất nhiều triển vọng trong việc đào tạo số lượng lớn SV và rất phù hợp với sự phát triển hiện nay của VN. Chương trình dùng giáo trình của một ĐH có chất lượng ở các nước tiên tiến, mời giảng viên nước ngoài về dạy.

Cần chuẩn thống nhất

Khi xem phần giới thiệu về trường ĐH ở VN, phần lớn đại diện các trường ĐH ở Mỹ rất bối rối để hiểu hệ thống và cấu trúc của ĐH VN. Những trường ĐH trong hệ thống ĐH Quốc gia thì hiệu trưởng gọi là “Rector” nhưng các ĐH khác gọi là “President” hay “Rector”. Những chức vị như “Dean” (trưởng ngành/trường) hay “Chairman” (trưởng khoa) cũng gọi không thống nhất.

Trong cấu trúc của trường ĐH ở VN, thường dùng chữ “faculty” để diễn chỉ khoa (department), nhưng trong tiếng Mỹ khi dùng “faculty” thì người ta hay hiểu là những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu; vì thế các đại diện các trường ĐH ở Mỹ không hiểu tại sao cả trường chỉ có 8 – 10 “faculties” . Do đó khi dùng chữ “faculty”, chúng ta nên chú thích thêm rằng nó tương đương với “department” theo hệ thống ĐH Mỹ. Hệ thống ĐH cổ điển của Anh, cấu trúc thường có 4 lớp: president - school/college - faculty - department. Hệ thống của ĐH Mỹ có 2 lớp: school/college - department.

Vì vậy, các trường ĐH VN cần đặt tên theo một tiêu chuẩn và thống nhất với nhau để thuận tiện trong hợp tác với các nước.

Chương trình này rất tốt cho các ĐH VN nhưng tự mỗi trường không đủ chi phí mời giảng viên nước ngoài giảng dạy nên tốt nhất các trường trong nước nên liên kết với nhau khi hợp tác. Chẳng hạn có 3 trường ở Hà Nội và 3 trường ở TP.HCM  cùng hợp tác với nhau mời giảng viên nước ngoài dạy 1-2 năm tại VN nhằm tiết kiệm chi phí đồng thời có  thể trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Đây là một giải pháp giúp chương trình tiên tiến thực hiện lâu dài và ổn định.

Du học ở VN

Chúng ta mong muốn đưa nhiều SV và học giả ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ nhưng tại sao không tính đến việc tổ chức các chương trình du học đến VN cho SV và giới học thuật ở các nước? Đó có thể là chương trình VN học (được ĐH ở các nước chấp thuận tín chỉ) đón nhận SV từ các nước.

Tại Mỹ, SV thường đi học một học kỳ ở nước ngoài. Khi chọn khu vực châu Á, họ thường đến  Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Ðộ vì các trường ĐH của những nước này cấp 12-15 tín chỉ được chấp thuận bởi các ĐH ở Mỹ.

Dù nhiều trường tại VN có chương trình VN học nhưng dường như chưa có ĐH nào quan tâm đến việc làm thế nào để  các tín chỉ  của chương trình này được các nước chấp thuận. Trong vấn đề hợp tác quốc tế, phương thức “win-win” (hai bên cùng thắng) sẽ giúp cho sự hợp tác có tính lâu dài và ổn định. Vì thế, chương trình VN học chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hợp tác giáo dục VN và các nước.

Trần Thắng
(Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE), Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.