Đầu tư tiền tỉ mà vẫn ít người học

21/11/2015 09:00 GMT+7

Các trường nghề được nhà nước đầu tư tiền tỉ theo lộ trình để xây dựng và đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế, nhưng đến giờ học sinh vẫn thờ ơ.

Các trường nghề được nhà nước đầu tư tiền tỉ theo lộ trình để xây dựng và đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế, nhưng đến giờ học sinh vẫn thờ ơ.

Nhiều ngành trọng điểm quốc tế ở các trường nghề được nhà nước đầu tư rất lớn nhưng vẫn ít học sinh theo học - Ảnh: Mỹ QuyênNhiều ngành trọng điểm quốc tế ở các trường nghề được nhà nước đầu tư rất lớn nhưng vẫn ít học sinh theo học - Ảnh: Mỹ Quyên
Cải thiện vật chất, nâng cao chất lượng
Hiện nay việc đầu tư cho đào tạo nghề có 2 chương trình: đào tạo nghề trọng điểm (thực hiện từ năm 2011 đến 2020) và chương trình trường nghề chất lượng cao (từ 2014 đến 2020). Theo đó, có 45 trường được ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí chất lượng cao để đến năm 2020 có 40 trường đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cho biết: “Trong vòng 5 năm qua, trường được hỗ trợ khoảng 26,350 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị cho 5 nghề trọng điểm, trong đó có 2 nghề quốc tế, 1 nghề ASEAN và 2 nghề quốc gia. Vì đào tạo theo chuẩn quốc tế và khu vực nên trang thiết bị hiện đại, rất tốn kém. Ngoài ra, hằng năm trường cử giáo viên đi Nhật, Hàn để đào tạo từ 1 - 3 tháng”.
Tại Trường CĐ nghề LILAMA 2, ngoài kinh phí của nhà nước đầu tư, trường còn huy động được nguồn vốn của Đức và Pháp để đào tạo 7 nghề. Trong đó, 4 nghề của Đức được cấp tới 13,5 triệu euro (khoảng 325 tỉ đồng), còn 3 nghề của Pháp được cấp tới 3 triệu euro.
Là một trong 45 trường được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao, Trường CĐ nghề Giao thông vận tải Trung ương 3 nhận được gói kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Nhà trường đã mua các thiết bị khá đắt tiền cho ngành công nghệ ô tô... Ngoài ra, 2 giảng đường mới đang chuẩn bị xây dựng, chiếm 50% gói kinh phí này, để phục vụ cho lộ trình trường chất lượng cao được quốc tế công nhận.
Không nhiều học sinh để thụ hưởng
Phó hiệu trưởng một trường trung cấp nghề thừa nhận, với mức đầu tư quá lớn như vậy, mà người học nghề chưa biết đến, hoặc thờ ơ không đi học, sẽ là một sự lãng phí. Nếu tính ra, số lượng học sinh theo học nghề công nghệ ô tô của Trường CĐ nghề Giao thông vận tải Trung ương 3 chỉ khoảng 125 người/năm, điện công nghiệp ít hơn, trong khi mỗi ngành được đầu tư mấy tỉ đồng/năm. Đặc biệt, nghề vận hành máy thi công nền được nằm trong các nghề trọng điểm quốc tế được đầu tư, nhưng do 3 năm nay nghề này không tuyển được học sinh nào nên đã bị xóa tên khỏi danh sách đào tạo nghề trọng điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh cũng chia sẻ: “Chỉ tiêu của trường là 800 nhưng mới tuyển được 500 học sinh. Chúng tôi phải tìm rất nhiều cách để có người học, chẳng hạn phải gắn với các trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện. Người học còn “chê” nghề, dù nhu cầu việc làm rất lớn”.
Chi phí cho một người học nghề trọng điểm cấp độ quốc tế tại Trường CĐ Nghề TP.HCM là 50 triệu đồng/năm, trong khi người học chỉ phải đóng học phí 2,8 triệu. Năm nay, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo thí điểm 3 nghề, theo chuẩn mỗi nghề chỉ từ 18 - 25 học sinh. Nhưng đến thời điểm hiện tại trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ vì chưa đủ.
Câu chuyện trường nghề vẫn đang là một cái vòng luẩn quẩn: không đầu tư thì không hy vọng, nhưng đầu tư xong lại đắp chiếu chờ người học. Đây cũng là một dạng lãng phí, bởi máy móc thiết bị sẽ ngày càng lạc hậu theo thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.