Dạy lễ nghĩa cho con

21/01/2009 22:34 GMT+7

Đêm giao thừa, dù xa xôi đến mấy các thành viên trong gia đình Tuấn cũng trở về nhà và quây quần bên nhau...

Đó là một truyền thống không bao giờ bị phá vỡ của gia đình cậu sinh viên Tuấn, cũng như của nhiều gia đình Việt ngày nay, cho dù cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi phần nào nếp sống.

Giao thừa sum họp

Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ngày Tết không chỉ là dịp để mọi người thoải mái vui chơi mà còn là cơ hội để các bậc cha mẹ giáo dục truyền thống, lễ nghĩa, cách cư xử... cho con cái một cách hiệu quả. Có thể chỉ là công việc nhỏ như làm một hũ dưa hành, gói những chiếc bánh chưng và đêm giao thừa cả nhà cùng sum họp, cha mẹ kể cho con cái nghe về những cái Tết xưa..., như vậy cũng ngấm vào đầu con trẻ một nếp nhà, một cách sống biết quan tâm, gắn bó với nhau và tạo ra niềm hạnh phúc giản đơn mà ấm áp cho gia đình trong những ngày Tết.

Cứ đến gần giao thừa, ông Tiến, nhà ở Thủ Đức, TP.HCM lại tự tay thịt gà, con gà trống mà vợ ông đã chọn mua có “tướng mạo” đẹp nhất nhì ở chợ, vì theo ông khi một dâng lên tổ tiên và thổ công chúa đất chú gà trống đẹp trong đêm giao thừa sẽ mang lại nhiều may mắn. Các con ông dù muốn đi chơi với bạn bè thì đến đúng thời khắc của năm mới phải có mặt ở nhà để cùng bố mẹ thắp hương lễ tổ tiên, trời đất. Sau khi lễ xong, ông lì xì cho các con và cả nhà cùng ngồi bên ấm trà nóng. Năm nào ông cũng kể về những cái Tết của gia đình từ khi cha của ông còn sống, những hoài niệm đó khiến mắt ông hoe đỏ.

Những giá trị không bao giờ mất đi

TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: “Thật sai lầm nếu nghĩ rằng Tết thì chỉ nên vui chơi và không cần giáo huấn. Thực tế có nhiều bậc cha mẹ đã không có thời gian để răn dạy con cái trong ngày thường, đến Tết cũng lại thả lỏng... khiến con cái ngày càng xa rời những giá trị truyền thống cũng như lối sống tự do khiến cho họ không còn biết trân trọng những giá trị cốt lõi”.

Giá trị cốt lõi ở đây là sự gắn bó của gia đình, cách cư xử có lễ nghĩa của người nhỏ đối với người lớn, sự quan tâm, chăm sóc của người thân với người thân... Không có gì ngạc nhiên khi ngày nay nhiều gia đình không tự nấu một nồi bánh chưng – một nét rất dễ thương trong ngày cuối năm.

Việc bố thì đi nhậu, mẹ chơi bài, con thì rong ruổi từ ngày đến tối với bạn bè trong mấy ngày Tết, không có lấy một bữa ăn đông đủ, cũng là “chuyện thường” ở một số gia đình. Như vậy sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, rời rạc, đối lập hẳn với những cái Tết sum vầy, gắn bó của người Việt lâu nay.

“Phải nghiêm túc nhìn nhận rằng có những giá trị nằm trong một hệ chuẩn cần phải tuân thủ và gìn giữ. Các bậc cha mẹ cần phải định hướng cho con cái và cũng phải là tấm gương cho các con nhìn vào. Những đơn vị tổ chức các cuộc vui, tiệc tùng ngày Tết cũng nên đảm bảo được giá trị đó”, TS Sơn nêu quan điểm.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.