Dễ lợi dụng chính sách đào tạo nhân lực địa phương

18/11/2014 04:45 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho phép một số địa phương ngoài khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ) được hưởng chính sách đặc thù về đào tạo nhân lực cho địa phương, nhưng lại e ngại chính sách này bị lợi dụng.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là một trong 3 trường năm nay có chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách cho địa phương - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Bùi Anh Tuấn , Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), đã trả lời Thanh Niên xung quanh thông tin này.

 
Ông Bùi Anh Tuấn

Ông Tuấn cho biết từ năm 2012, Bộ GD-ĐT có chủ trương đào tạo nhân lực cho các địa phương thuộc khu vực 3 Tây nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết và cấp bách phục vụ phát triển kinh tế xã hội các khu vực khó khăn. Bộ sẽ khống chế chỉ tiêu cụ thể 4 ngành đặc thù: sư phạm, sức khỏe, báo chí và luật. Tuy nhiên, năm 2014 Bộ chỉ giao chỉ tiêu đào tạo ngành sức khỏe và luật. Chỉ tiêu này căn cứ trên sự cân đối năng lực đào tạo của các trường, nhu cầu thực tế địa phương và ý kiến Ban Chỉ đạo 3 Tây. Đầu vào thấp hơn 2 so với điểm chuẩn trúng tuyển và phải bằng từ điểm sàn của Bộ trở lên.

Tỉnh không ưu tiên cũng hưởng chính sách

Nhưng thưa ông, một số địa phương khác như Phú Yên, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... không thuộc 3 Tây cũng đang triển khai việc đào tạo theo nhu cầu sử dụng?

Từ năm 2013, bên cạnh khu vực 3 Tây, Bộ có xem xét giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng hay đào tạo phục vụ nhu cầu địa phương cho một số tỉnh. Việc này được triển khai trên chủ trương chung về đào tạo nhân lực 3 Tây nhưng điểm chuẩn không được hạ xuống mà phải đảm bảo bằng với điểm chuẩn chính thức của trường. Dù được giao chỉ tiêu 2 ngành nhưng chủ yếu các địa phương chỉ có nhu cầu về ngành sức khỏe. Việc này cũng xuất phát từ nhu cầu địa phương, vì thực sự rất thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, số địa phương được chọn rất ít và tỉnh nhiều nhất chỉ khoảng 10 chỉ tiêu.

Như vậy chính sách đào tạo nhân lực cho địa phương không còn giới hạn với khu vực 3 Tây? Điều kiện nào để các địa phương ngoài 3 Tây được lựa chọn?

Nhiều địa phương khác cũng khó khăn nhưng phải cân đối trên mặt bằng chung. Nhu cầu là một chuyện còn thực tế phải cân đối cả năng lực đào tạo của các trường mới giao nhiệm vụ chứ không thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các địa phương. Lấy ví dụ, nếu TP.HCM và Hà Nội xin chắc chắn Bộ sẽ không giao chỉ tiêu. Đáng nói hơn, đề xuất này Bộ chỉ nhận trực tiếp từ UBND địa phương chứ không giải quyết nhu cầu của trường cụ thể nào.

Địa phương phải chịu phần lớn kinh phí đào tạo

 

Bản thân Bộ cũng rất lo ngại về điều này, bởi nếu không cẩn thận chính sách sẽ bị lợi dụng. Đó là lý do Bộ gắn trực tiếp và toàn bộ trách nhiệm lên địa phương, mà cụ thể là UBND tỉnh

Nhưng sẽ rất đáng lo ngại nếu chính sách này bị lợi dụng, chẳng hạn kẽ hở để cán bộ địa phương hợp thức hóa việc cho con em mình đi học và phân công việc làm?

Bản thân Bộ cũng rất lo ngại về điều này, bởi nếu không cẩn thận chính sách sẽ bị lợi dụng. Đó là lý do Bộ gắn trực tiếp và toàn bộ trách nhiệm lên địa phương, mà cụ thể là UBND tỉnh. Tỉnh phải đứng ra khảo sát nhu cầu, đề xuất với Bộ, trực tiếp tuyển lựa người học theo đúng quy định cho đến khâu sử dụng lao động. Tất cả quy trình này địa phương phải thực hiện công khai và dưới sự kiểm tra giám sát của Bộ. Hiện Bộ đang yêu cầu các trường báo cáo, rồi tiến hành kiểm tra từ tỉnh đến trường và ngược lại. Nếu Bộ phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay và không giao chỉ tiêu ngay năm sau.

Việc tuyển sinh các đối tượng này được thực hiện sau kỳ tuyển sinh hệ chính quy. Vậy số chỉ tiêu này được tính thế nào?

Chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng này giao riêng, nằm ngoài tổng chỉ tiêu chung mà trường xác định trước đó vì nếu giao chỉ tiêu chung sẽ đẩy sinh viên bình thường bật ra ngoài. Tuy nhiên, Bộ chỉ cho phép trường nhận tối đa 5% chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng so với tổng chỉ tiêu hệ chính quy trường đăng ký trong năm học đó. Nếu chỉ tiêu dồn vào một số ngành, mỗi ngành cũng không quá 20% so với tổng chỉ tiêu ngành mà trường đăng ký.

Hiện nay, khái niệm chỉ tiêu trong ngân sách hay ngoài ngân sách không còn ý nghĩa bởi mỗi trường tùy theo đặc thù riêng mà được hưởng ngân sách từ nguồn khác nhau (bộ chủ quản, UBND...). Dù nguồn khác nhau nhưng đều hưởng ngân sách nhà nước. 5% sinh viên này dù không được hưởng kinh phí đào tạo trực tiếp từ ngân sách nhà nước nhưng địa phương phải cân đối nên vẫn gọi là hưởng ngân sách. Nhưng điều đặc biệt ở đây, địa phương phải bỏ tiền ra mới có thể sử dụng được người học. Vì vậy, địa phương phải chịu phần lớn kinh phí đào tạo, còn người học nếu có đóng góp chỉ một phần. Nếu tỉnh nào yêu cầu người học tự túc kinh phí là không đúng chủ trương, Bộ sẽ xử lý ngay.

Người học phải trả chi phí đào tạo ?

Chiều 17.11, trả lời phóng viên Thanh Niên qua điện thoại, ông Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, nói những thí sinh mà UBND tỉnh xét đủ điều kiện, đưa đi học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) là đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Gia đình của những sinh viên này đã có cam kết chịu chi chí đào tạo. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề Bộ GD-ĐT cho rằng kinh phí đào tạo những sinh viên này chủ yếu do địa phương trả thì ông Nhân nói qua hỏi Sở GD-ĐT Phú Yên. Trong khi đó, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nói: “Theo quy định, UBND tỉnh Phú Yên chỉ chịu kinh phí sinh viên cử tuyển, còn sinh viên đào tạo theo địa chỉ mà Sở Y tế đề xuất thì do UBND tỉnh xem xét nên Sở GD-ĐT không biết”.

Theo Công văn 5058 của Bộ GD-ĐT về đào tạo y đa khoa một số tỉnh thiếu nhân lực y tế, năm 2014 có 3 địa phương được phân chỉ tiêu đào tạo gồm: Phú Yên, Ninh Thuận và Tây Ninh (mỗi tỉnh 10 chỉ tiêu). Các trường ĐH được giao nhiệm vụ đào tạo gồm: Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tây Nguyên và Y Dược Cần Thơ. Đặc biệt, công văn này ghi rõ kinh phí đào tạo do nguồn ngân sách của tỉnh.

Trả lời phóng viên Thanh Niên chiều qua, đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết kinh phí đào tạo sinh viên theo địa chỉ sử dụng đều do các tỉnh gửi về. Năm 2013, kinh phí này với ngành bác sĩ đa khoa là 35 triệu đồng/sinh viên.

ĐỨC HUY - HÀ ÁNH

Hà Ánh (thực hiện)

>> Rà soát chính sách đào tạo nhân lực có tay nghề cao
>> Đào tạo nhân lực từ nhà trường
>> Ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao
>> Đào tạo nhân lực công nghệ cao: Xa thực tế
>> Đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.