Đề xuất mô hình đào tạo ‘9+’ để đẩy mạnh phân luồng

14/02/2019 13:00 GMT+7

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng cần phải luật hóa các quan điểm đúng đắn về phân luồng, đặc biệt là phân luồng sau THCS.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ LĐTB-XH dự kiến đề xuất Chính phủ mô hình đào tạo học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng (hay còn gọi là mô hình 9+).

Tại sao phân luồng vẫn tắc?

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, nêu thực tế: Chỉ thị của Bộ Chính trị từ năm 2011 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 phấn đấu 30% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ đi học nghề. Nhưng đến thời điểm này chúng ta thấy bức tranh vẫn chưa phải như vậy. Mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THCS và có khoảng 90-95% số đó học tiếp THPT và mỗi năm có khoảng hơn 80% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ...
Ông Hùng cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn tới phân luồng của chúng ta rất khó khăn trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân thứ nhất là tâm lý của một bộ phận người dân vẫn muốn học lên cao hơn, học nghề chỉ là con đường cuối cùng khi không thể học lên cao hơn nữa. Nguyên nhân thứ hai thuộc về cơ chế chính sách của chính nhà nước, coi trọng bằng cấp, ngay trong tuyển dụng nhà nước cứ phải đạt trình độ cao thì mới được vào vị trí này, vị trí khác.
Chính vì vậy, theo ông Hùng Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất với ban soạn thảo luật Giáo dục sửa đổi cần bổ sung vào dự luật nội dung liên quan đến phân luồng, tạo điều kiện để người học sau THCS, THPT dễ dàng vào học nghề hơn. Tôi cho rằng đây là thời điểm rất tốt để chúng ta có thể thay đổi hiện trạng phân luồng hiện nay, thu hút nhiều người học hơn đến với giáo dục nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp và Thương mại, Phúc Yên, Vĩnh Phúc cũng phát biểu đồng tình với việc thu hút người học vào trường nghề trong thời gian rất khó khăn, nhận thức về vấn đề cần có sự cải thiện.
Đối với mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Tùng cho rằng phải tập trung số 1 vào nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết đầu ra của người học. Học tập cuối cùng phải có nghề và nghề đó phải nuôi được bản thân và gia đình. “Tôi cho rằng đó là vấn đề quan trọng để thu hút sự lựa chọn của người học và thay đổi nhận thức của xã hội”, ông Tùng nói.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng cho rằng chưa có cơ chế luật hóa để làm sao có chính sách học tập liên thông, học tập suốt đời.

Hiệu quả của mô hình “9+”

Mới đây ông Nguyễn Xuân Hùng đã đưa ra đề xuất đào tạo thẳng từ lớp 9 lên CĐ, thông qua mô hình 9+ như một giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách phân luồng sớm. Giải thích thêm về mô hình này, ông Hùng cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới việc xác định đầu vào lớp 9 nhưng đầu ra là CĐ. Tuy nhiên để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành thì vẫn có giai đoạn chuyển tiếp từ trung cấp để lên CĐ”.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định việc áp dụng mô hình này mục tiêu lớn nhất vẫn là hướng tới chất lượng chứ không chỉ số lượng. “Chúng tôi mở ra mô hình này không phải để thu hút ồ ạt người vào học”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng: Yếu tố để tạo sự hấp dẫn chỉ là thứ nhất, yếu tố thứ hai mà chúng tôi muốn hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghĩa là khi mô hình trở nên hấp dẫn rồi thì các em sẽ hướng vào nhiều và khi đó chúng tôi sẽ có nguồn tuyển dồi dào, có sự lựa chọn những em có năng lực tốt để vào học mô hình KOSEN của Nhật Bản vừa học văn hóa kết hợp với học nghề. Thời gian học văn hóa giảm dần theo từng năm. Ví dụ đến năm thứ 5 thì thời gian học văn hóa không còn hoặc còn rất ít để tập trung chủ yếu vào học nghề. Như vậy, thời gian học nghề sẽ tăng dần theo từng năm. Kết thúc quá trình đào tạo đó thì các em sẽ có đồ án tốt nghiệp, sản phẩm nghiên cứu gắn với thực tiễn. “Nếu chúng ta luật hóa được và không còn là mô hình liên thông nữa thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực”, ông Hùng nói
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp và Thương mại, Phúc Yên, Vĩnh Phúc, nơi áp dụng mô hình KOSEN cho biết: Đây là mô hình rất tốt, tuy nhiên phải giúp người dân hiểu để không lo ngại là con họ vào học mô hình này thì sẽ không được học tiếp tục học văn hóa. Trái lại, chương trình không thua các cơ sở đào tạo khác về văn hóa.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết: Khi Bộ triển khai thí điểm mô hình 9+ thì tỷ lệ và chất lượng người học nghề rất khả quan trong năm 2018. Như vậy, việc lựa chọn học nghề không phải do người học không có khả năng học lên cao hơn mới vào học nghề mà rất nhiều em tốt nghiệp THCS đã lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và phù hợp với mong muốn của bản thân. Người học theo mô hình này đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp. Trong chương trình đào tạo có 40-50%, thậm chí 70% mô hình đào tạo thực hành, người học có thể ra thị trường lao động sớm, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Mô hình “9+” là mô hình từ ngắn hạn như đào tạo trung cấp cho đến CĐ, tùy thuộc vào điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của từng trường và đặc thù của từng ngành, từng nghề thì có chương trình đào tạo phù hợp chứ không phải đại trà. “Thời gian tới chúng tôi kỳ vọng với mô hình này sẽ thu hút được nhiều học sinh khá giỏi chứ không phải chỉ là học sinh yếu kém”, ông Quân bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.