Điểm chuẩn đại học có thể tăng mạnh

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
15/09/2020 07:05 GMT+7

Ngày 14.9, tại chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia đến từ các trường đại học đều nhận định điểm chuẩn năm nay có thể tăng mạnh so với năm trước, dao động từ 0,5 - 4 điểm.

Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Nên quyết định sớm

Nhận định về điểm chuẩn vào các trường đại học (ĐH) năm nay, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết hiện điểm sàn nhận hồ sơ của các trường năm nay đã tăng khá mạnh, từ 0,5 - 4 điểm, đặc biệt ở một số ngành “nóng” của các trường top trên sẽ tăng rất mạnh. Do vậy, thí sinh (TS) nào đăng ký xét tuyển bằng điểm thi, cần cân nhắc ngành, trường hợp lý. Vì những ngành có nhiều TS đăng ký, điểm chuẩn dự kiến có thể tăng cao từ 3 - 5 điểm.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho rằng TS đang trong giai đoạn phải “cân đo đong đếm” để chọn được trường ĐH phù hợp. Năm nay, phương thức tuyển sinh của các trường ĐH rất đa dạng. “Nếu TS nào đã chọn phương thức xét tuyển là kết quả của kỳ thi kiểm tra năng lực, hay học bạ, nếu đã đậu được vào trường mình mong muốn thì nên nhập học sớm. Bởi vì số chỉ tiêu còn lại, khi có kết quả tuyển sinh theo phương thức điểm thi THPT sẽ tạo ra những bất định trong việc tuyển sinh của các trường. Dù đã dành một tỷ lệ nào cho các phương thức khác nhau, nhưng họ sẽ cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu dựa trên kết quả nhập học hiện tại”, ông Viên chia sẻ.
Nếu cùng một ngành học, chất lượng đào tạo tương đương thì ông Viên khuyên TS nên chọn đăng ký vào trường có mức điểm sàn tăng vừa phải để có nhiều cơ hội.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng khuyên: “Nếu TS cứ chần chừ không làm thủ tục nhập học khi đã trúng tuyển thì có thể sẽ mất cơ hội đi học vì các trường sẽ lấp đầy chỉ tiêu của mình bằng các phương thức khác nữa”.
Cũng theo thạc sĩ Trương Quang Trị, TS dùng bất kỳ hình thức xét tuyển nào đăng ký tuyển sinh thì khi nhập học vào trường đều được đào tạo, và học cùng một chương trình, không có sự phân biệt.

Nếu cùng một ngành học, chất lượng đào tạo tương đương thì thí sinh nên chọn đăng ký vào trường có mức điểm sàn tăng vừa phải để có nhiều cơ hội

Tiến sĩ Hà Thúc Viên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức)

Minh chứng cho ý kiến trên, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: “Trong quan điểm một số phụ huynh ở tỉnh xa, xét điểm thi THPT là điều gì đó rất danh giá trong khi chúng ta có rất nhiều lựa chọn. TS có thể mất "cả chì lẫn chài" nếu cứ chờ khi năm nay phổ điểm thi THPT tăng mạnh”.
Ngoài TS trong nước, trong chương trình tư vấn, thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo, còn nhắn nhủ cả những TS là du học sinh chọn cách về nước học tiếp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các TS này nên nhanh chóng quyết định đăng ký vào trường học phù hợp.

Còn bao nhiêu cơ hội xét bằng điểm thi THPT ?

Chia sẻ về cơ hội còn lại cho TS xét tuyển ĐH bằng điểm thi THPT, tiến sĩ Hà Thúc Viên cho biết theo số liệu thống kê, số TS có điểm thi 19 - 22 thuộc nhóm lớn nhất. Còn lại là nhóm 18 điểm trở xuống và 23 điểm trở lên. Tuy nhiên, các trường có điểm sàn từ 19 - 22 khá lớn nên nhóm TS nằm trong khoảng điểm này có nhiều thuận lợi trong việc xét tuyển.
Trên cơ sở số liệu nhập học hiện nay và dự báo của Trường ĐH Việt Đức thì có 4 ngành còn nhiều cơ hội cho TS xét tuyển bằng điểm thi là kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quản trị kinh doanh và tài chính kế toán.
Còn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, trường đã có 8 đợt tuyển sinh bằng học bạ, và vẫn đang tiếp tục tuyển sinh. Riêng với khối ngành về sức khỏe TS phải đảm bảo chất lượng ngưỡng đầu vào.
Trong khi đó, ở Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã xét 3/4 đợt học bạ. Hiện trường cũng công bố điểm sàn thi đánh giá năng lực là 600 điểm trở lên. Với điểm thi THPT, điểm sàn năm nay các khối ngành cao hơn khoảng 2 - 3 điểm.
Tại Trường ĐH Tân Tạo, ông Mai Đức Toàn cho biết trường có 3 hình thức xét tuyển, trong đó chỉ tiêu xét bằng hình thức học bạ đã đạt 40%. Còn phần lớn chỉ tiêu, đặc biệt chỉ tiêu các khối ngành sức khỏe vẫn đang chờ điểm sàn và nhận hồ sơ bằng điểm thi THPT và kỳ thi đánh giá năng lực (sử dụng với 3 ngành y đa khoa, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm). Các ngành còn lại, điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi THPT là 15 điểm.
Ngành thú y xét tuyển thí sinh từ 21 điểm trở lên
Hôm qua 14.9, một số trường ĐH tiếp tục công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển) theo phương thức kết quả thi THPT năm nay. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết điểm sàn xét tuyển các ngành thuộc cơ sở chính của trường tại TP.HCM dao động từ 16 - 21 điểm. Trong đó, ngành có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất 21 điểm là thú y. Tại Phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, điểm sàn xét tuyển các ngành từ 15 - 16 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng công bố điểm sàn xét tuyển các ngành bằng điểm thi THPT. Theo đó, điểm sàn các ngành đại trà tại cơ sở TP.HCM là 17 điểm và các ngành ĐH chất lượng cao, chương trình liên kết là 16. Tại Phân hiệu Quảng Ngãi, điểm sàn các ngành là 15. 
H.Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.