Đổi tên “ĐH Quốc gia” thành “ĐH liên ngành“?

Hà Ánh
Hà Ánh
13/04/2018 17:47 GMT+7

Chiều 13.4, Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (dự thảo lần 5).

Tham dự hội thảo có đại diện nhiều trường ĐH và các sở ngành của TP.

Đào tạo ĐH cần quan tâm đạo đức người học

Phát biểu tại đây, ông Trần Quốc Tú, Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng ĐH Quốc gia thực chất là một trường ĐH đa lĩnh vực, vì vậy sử dụng thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn, ngộ nhận. Từ đó ông Tú đề xuất có thể xem xét sửa đổi “ĐH Quốc gia” thành “ĐH tổng hợp” hoặc “ĐH liên ngành” sẽ sát thực hơn.

Về vấn đề này, tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế-luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý về ý kiến Sở Tư pháp TP.HCM về tên gọi ĐH Quốc gia. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng cần chuyển tên thành ĐH tổng hợp hay liên ngành. Thay vào đó cần sửa nội dung của điều luật cho phù hợp hơn, chẳng hạn cần nhấn mạnh thể hiện nội dung đào tạo chất lượng cao của ĐH Quốc gia”. 

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chuẩn đầu ra sinh viên. Ông Trần Quốc Tú cho rằng nên bổ sung thêm các định hướng khác vào chất lượng đào tạo ĐH. Cụ thể là khả năng nắm bắt thực hành chuyên môn, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm…của sinh viên.  Sinh viên hiện nay  nặng lý thuyết nhưng chưa mạnh thực hành, làm việc độc lập tốt nhưng chưa có khả năng làm việc nhóm tốt. Một số kỹ năng còn chưa được đảm bảo, phải đào tạo lại. Có lẽ do một phần định hướng mục tiêu đào tạo.


Đồng quan điểm này, ông Võ Song Toàn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng chuẩn đầu ra mà các trường ĐH hiện đang nhắm tới có 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhưng nội dung này trong dự thảo hiện chỉ có kiến thức và kỹ năng, thiếu hoàn toàn thái độ. Trong khi đây là yếu tố rất quan trọng với người học, hiện sinh viên tốt nghiệp đang rất thiếu yếu tố này.

Về mở ngành đào tạo, tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Phó trưởng ban Ban Tổ chức-cán bộ ĐH Quốc gia TP.HCM, góp ý: “Mới đọc dự thảo nghe như Bộ cho phép các trường hoàn thành công nhận kiểm định chất lượng được hoàn toàn tự chủ việc này. Tuy nhiên cũng chính dự thảo lại ràng buộc là tự chủ theo quy định của Bộ nên dù “mở” nhưng lại “khoá””.

“Cần bố trí người có tâm thay vì chỉ sửa luật”

Góp ý chung về dự thảo luật, ông Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng theo tờ trình của Chính phủ, luật Giáo dục ĐH có 3 điểm nghẽn cần phải sửa đổi bổ sung: Tự chủ ĐH và quản trị ĐH, quản lý đào tạo, quản lý nhà nước với giáo dục ĐH trong điều kiện tự chủ ĐH. Nhưng trong 73 điều có tới 39 đề nghị sửa đổi và bổ sung 2 điều mới. Với số lượng điều sửa đổi như trên thì không phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về “sửa đổi một số điều” mà thực chất là “luật Giáo dục ĐH sửa đổi”. Mặc dù sửa đến 53% số điều luật nhưng nhìn chung nội dung sửa đổi chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản mục tiêu đặt ra mà có quá nhiều nội dung chưa phải là cốt lõi, chưa thực sự cần thiết.

Phân tích cụ thể, ông Lịch nêu, chẳng hạn điều 12 về chính sách nhà nước về phát triển giáo dục ĐH, 9 khoản của điều này chỉ mang tính chất khẩu hiệu mà không có nội dung cụ thể nào. Ngay cả khoản 3 nói về cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận cũng chỉ nói chung chung mà không biết sẽ có chính sách gì áp dụng ở đây.

“Việc sửa đổi luật là cần thiết nhưng những bất cập về chất lượng đào tạo ĐH của nước ta hiện nay như cho ra đời quá nhiều trường ĐH kém chất lượng, sự thương mại hoá giáo dục không phải chỉ có nguyên nhân từ sự bất cập của luật mà từ những con người thực thi. Do đó nếu chỉ tập trung sửa luật mà không quan tâm tổ chức lại bộ máy quản lý, bố trí người có tâm, có tầm với sự nghiệp giáo dục thì tình hình giáo dục ĐH khó được cải thiện”, ông Lịch nhấn mạnh.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.