Đối thoại về sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại: Nỗi buồn giáo dục!

04/01/2020 17:02 GMT+7

Đọc và xem tường thuật buổi đối thoại về sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại với các vị giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý giáo dục tên tuổi, tôi thấy chạnh lòng và dấy lên nỗi buồn giáo dục.

Hôm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT tổ chức buổi gặp gỡ và trao đổi với nhóm sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Buổi đối thoại tập hợp các nhà tri thức hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực liên quan. Nhưng tôi tin qua buổi đối thoại này, hàng triệu bậc làm ông bà, cha mẹ cũng có nỗi buồn  

 

Tranh cãi mà không tranh luận

 

Tham dự  buổi đối thoại sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đều là các trí thức đầu đàn nhưng sao nét mặt của các vị giáo sư khả kính mà tôi khâm phục và ngưỡng mộ chưa toát lên nét tri thức của nhà mô phạm cùng ngồi lại tìm phương án tốt nhất để dạy dỗ con cháu đang đi vào trường tiểu học? Sao lời nói của các vị chưa dịu dàng ngọt ngào để thuyết phục nhau và thuyết phục phụ huynh tin vào những "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt con em của họ?

Buổi đối thoại diễn ra gay gắt

Kim Hiền

Hôm nay,  đọc lại phản ảnh buổi đối thoại qua các tờ báo, tôi càng buồn hơn. Tôi nghĩ lúc này hàng triệu bậc làm ông bà, cha mẹ cũng có nỗi buồn như tôi.

 

Đảng và nhà nước luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu. Luôn dành mọi ưu tiên để con em chúng ta được học hành đàng hoàng tử tế , luôn chăm lo cho thế hệ mai sau được thành tài, nên người ra sức giúp ích cho nước cho nhà. Sao bây giờ lại nhìn thấy các giáo sư tranh cãi mà không phải tranh luận về chương trình và mục tiêu cao quý đó?

 

Hãy xem giáo dục như bóng đá! 

 

Tôi miên man suy nghĩ và lấy thể thao ra làm phép nghĩ của mình. Năm 2019 có hàng triệu người xem bóng đá và vui mừng hò reo khi cầu thủ đưa trái banh vào lưới làm nên chiến thắng. Nhiều nhà doanh nghiệp vui mừng trao hàng tỉ đồng khen thưởng vì tài năng của đội bóng và vì sự hoan hỉ của người hâm mộ .

 

Có thể còn rất nhiều người chưa hiểu hết về bóng đá với các sơ đồ chiến thuật như 4-4-2 hay 3-5-2 ... hay là các vị trí tiền vệ thủ, tiền vệ trụ hay trung phong, cũng như chưa hiểu hết các lỗi sai phạm như việt vị, dùng tay... Nhưng mục tiêu là phải đưa banh vào lưới, chiến thắng !

Đại diện Bộ GD-ĐT: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (ngồi, ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (đứng)

Kim Hiền

 

Trong giáo dục thì phức tạp, tế nhị hơn nhiều vì đó là dạy học. Vậy mục tiêu giáo dục là gì ở cấp tiểu học? Phải chăng chương trình là mục đích để dẫn dắt đạt mục tiêu đó, còn chiến thuật chính là học thuật làm cơ sở để thực hiện chương trình nhằm đạt mục tiêu đã được thống nhất theo luật định. Vậy thì sách giáo khoa có nhiều bộ là nhắm nhiều hướng để đạt mục tiêu. Đội bóng mà không có nhiều chiến thuật, nhiều con đường để sút bóng vào lưới thì coi như khó chiến thắng. 

 

Quay trở lại với cảm giác của tôi và rất nhiều người về buổi đối thoại sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại, tôi mong nỗi buồn này qua đi. Các thầy mà tôi kính trọng, những nhà mô phạm sẽ làm người dân cũng náo nức, hò reo, vui mừng vì các thầy thân yêu của chúng tôi hòa nhã, ngọt ngào ngồi với nhau bàn bạc vì lợi ích cho mục tiêu giáo dục nước nhà, vì con em của chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.