Đón đầu bằng các chương trình chuẩn

31/12/2015 05:13 GMT+7

Từ nhiều năm nay, các trường ĐH đã nắm bắt và có nhiều bước chuẩn bị cho sự kiện gia nhập AEC. Ở một số trường, SV tốt nghiệp vào năm 2015 đã sẵn sàng tham gia thị trường lao động khu vực.

Từ nhiều năm nay, các trường ĐH đã nắm bắt và có nhiều bước chuẩn bị cho sự kiện gia nhập AEC. Ở một số trường, SV tốt nghiệp vào năm 2015 đã sẵn sàng tham gia thị trường lao động khu vực.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - nơi có nhiều chương trình được kiểm định bởi AUN - Ảnh: H.ASinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - nơi có nhiều chương trình được kiểm định bởi AUN - Ảnh: H.A
Bước đi quan trọng của nhiều trường ĐH trong nước thời gian qua là tiến hành đánh giá ngoài và kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN (Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á).
Hiện nay, toàn ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 21 chương trình được kiểm định bởi AUN. Riêng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từ năm 2009 đã có chương trình đầu tiên đạt chuẩn kiểm định này là điện tử viễn thông. Từ đó đến nay, trường có thêm 7 chương trình thuộc 7 ngành khác được AUN công nhận đạt chuẩn khu vực.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, chia sẻ: “Trong các yếu tố trường ĐH cần trang bị để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hội nhập, trước hết phải nói tới chương trình đào tạo. SV tốt nghiệp từ các chương trình được kiểm định sẽ có chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo quy chuẩn nhất định. Vì vậy, cơ hội tìm việc và thăng tiến của SV sau khi tốt nghiệp cao hơn nhiều. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ ở 2 ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính, hầu hết SV có việc làm tốt ngay từ năm cuối cùng”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định sau thời điểm VN gia nhập AEC, các chương trình đào tạo đã được AUN kiểm định sẽ tiếp nhận nhiều SV các nước trong khu vực đến học tập thông qua chương trình trao đổi và chuyển tiếp SV. Có nghĩa là, SV VN sẽ có nhiều cơ hội trong môi trường hội nhập ngay tại giảng đường.
Cảnh báo cho SV về cơ hội và thách thức khi tham gia thị trường lao động khu vực là việc quan trọng nhiều trường ĐH đã triển khai trong năm học này. Ngay trong buổi sinh hoạt công dân đầu khóa cho SV nhập học năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã tổ chức hẳn một chuyên đề giới thiệu tới SV những hành trang cần chuẩn bị của “công dân ASEAN”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nói: “Không phải đến khi có sự kiện này ngoại ngữ mới trở nên cần thiết. Lúc nào cũng vậy, một SV giỏi ngoại ngữ luôn có lợi thế hơn nhiều so với SV bình thường. Do vậy, các trường ĐH đang nỗ lực trang bị kỹ năng này cho SV, cụ thể là chuẩn tiếng Anh đầu ra ngày càng được nâng lên”.
Cũng theo tiến sĩ Hạ, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức trong trường ĐH của VN cần được tính đến trong thời gian tới. Ở thời điểm hiện tại, việc này gặp nhiều khó khăn do những hạn chế về trình độ Anh ngữ của giảng viên và SV.
Thiếu quá nhiều kỹ năng
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, nhìn nhận giữa đào tạo với thị trường vẫn còn một khoảng cách khá xa. Kiến thức được đào tạo tại nhà trường tuy bài bản nhưng không theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhà trường không hoặc hiếm khi chú trọng tới việc đào tạo các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc. Kết quả là sự khập khiễng của SV mới ra trường khi không thể tìm được việc làm hoặc nếu tìm được việc thì công ty tuyển dụng phải đào tạo lại. Nhiều nhà tuyển dụng cũng cho rằng lao động VN còn thiếu những kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, tinh thần đồng đội, xử lý công việc khi gặp khủng hoảng...
“Rõ ràng trình độ ngoại ngữ của lao động VN kém hơn so với các nước trong khu vực rất nhiều. Chúng ta không thể so với Singapore, mà ngay cả với Philippines hay Thái Lan, chúng ta đã bị bỏ lại một khoảng cách khá xa. Nếu chúng ta không có chiến lược bài bản trong việc đào tạo ngoại ngữ, nguồn nhân lực của chúng ta sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài”, bà Vân Anh nói thêm.
Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.