"Đóng khung" học sinh trong bài giảng

13/06/2007 14:06 GMT+7

Trong kho tàng văn học dân gian, thằng Bờm được biết như là một nhân vật ngốc nghếch, thiếu trí thông minh. Có lẽ vì vậy mà ở một số địa phương, "bờm" đã trở thành một tính từ chỉ sự kém thông minh của một ai đó. Thế nhưng, liệu Bờm có kém thông minh thật không? Và nếu có kém thông minh, liệu có phải chỉ là lỗi của Bờm?

Vì Bờm ngốc quá, chả biết gì nên vợ Bờm phải đóng cửa dạy chồng. Vợ Bờm dạy thế này: "Nhất là một, gạch một gạch. Nhị là hai, gạch hai gạch. Tam là ba, gạch ba gạch". Bờm mừng rỡ reo lên: "À, biết rồi. Dễ quá! Bốn thì sẽ gạch bốn gạch. Năm sẽ gạch năm gạch". Nhưng Bờm thắc mắc với vợ, lúc đó đóng vai trò là người thầy: "Thế một nghìn thì gạch một nghìn gạch à? Chỗ đâu mà gạch được nữa?". Vợ Bờm quát: "Ngồi im! Chỉ được nghe, không được cãi".

Câu chuyện tuy đơn giản và có thể khiến người ta cười nhưng nó lại phản ánh cách dạy học và mối quan hệ thầy-trò trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Cái cách Bờm thắc mắc về những điều mình chưa biết ngây ngô như một đứa học sinh lớp một. Trẻ con thường hay hỏi nhiều, thắc mắc nhiều vì chúng như một tờ giấy trắng, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm với chúng.

Thế nhưng một khi đem thắc mắc đó hỏi người lớn, vì lười trả lời hay vì không biết trả lời, người lớn thường lờ tịt đi hoặc quát trẻ kiểu như: "Trẻ con thì biết gì? Từ từ lớn rồi biết". Trong lớp học, nếu học trò thắc mắc hay phát hiện ra một sai sót nào đó trong bài giảng của giáo viên, trong hầu hết các trường hợp, giáo viên sẽ nói: "Cô/Cậu dám cãi tôi à? Ở đây ai là thầy?". Chuyện học sinh cắm cúi chép những gì thầy giáo đọc trên bục giảng, hay nói ngắn gọn là tình trạng đọc-chép, cũng thể hiện sinh động cái sự thầy-nói-gì-trò-nghe-nấy, cấm có cãi. Tình trạng phổ biến này tồn tại từ lâu song cho đến nay nó không cải thiện được là bao.

Hậu quả của việc đọc-chép hay thầy nói gì trò nghe nấy là việc ra đời một thế hệ học sinh thụ động và lười động não. Cuộc sống luôn đa dạng và phong phú. Một vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cũng có nhiều phương án để giải quyết. Một cậu học sinh đã quen với cái nếp thầy bảo sao thì nghe vậy, tức là chỉ có một lựa chọn trong mọi tình huống, sẽ chỉ bị giới hạn trong một khối kiến thức nhất định và áp dụng bài học một cách rập khuôn vào mọi vấn đề trong cuộc sống. Học sinh cũng chẳng cần động não trước một vấn đề vì thầy đã bảo thế là đúng thì chỉ biết thế. Việc gì phải động não cho mệt!

Trong lớp học của một trường đại học Mỹ, giáo viên nói với sinh viên, hầu hết đến từ các nước châu Á, rằng: "Tôi hiểu các em đã quen với cách học chỉ ngồi nghe thầy giảng bài và không đưa ra ý kiến. Ở đây các em có thể nêu ra ý kiến của mình. Thậm chí ý kiến đó đi ngược lại với những gì giáo viên đang giảng. Các em có thể tranh luận với giáo viên, miễn là các em đưa ra được lý lẽ xác đáng". Buổi học hôm đó diễn ra vui vẻ và thú vị. Sinh viên đưa ra nhiều ý kiến hay mà thầy giáo không ngờ tới. Cả hai phía thầy trò có một chút tranh luận, tuy hơi căng thẳng, nhưng sau đó ai cũng vui vì mình biết thêm nhiều điều mới lạ.

Hay như bà hiệu trưởng cũng của trường đại học trên, trong một lần đứng lớp, đã phải công nhận với một cậu sinh viên châu Á rằng: "Mỗi khi đọc bài luận của em, tôi cũng học được một điều gì đó". Hóa ra, người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn cho học trò. Còn việc học trò đi ra sao, bằng phương tiện gì, đó lại là sự lựa chọn của họ dựa trên những công thức có sẵn. Quan hệ thầy-trò ở đây là mối quan hệ hai chiều và có sự tương tác chặt chẽ giữa các cá thể.

Thay đổi nhận thức trong quan hệ thầy-trò ở nước ta có lẽ là một bộ phim truyền hình dài tập. Thật khó để người thầy lùi lại một chút để lắng nghe học sinh. Nhưng không lẽ, học sinh cứ mãi là chàng "Bờm" với cái quạt mo vậy sao?

Ông Buddhaporn Srisupawat, giảng viên truyền thông của trường Đại học Webster Thái Lan cho hay: "Ở các trường ĐH Mỹ, như Webster là một điển hình, chúng tôi áp dụng phương pháp dạy học student center, tức là hướng về sinh viên hay sinh viên là trung tâm. Với phương pháp này, sinh viên có thể nêu lên ý kiến của mình và tranh luận với giáo viên. Thậm chí có một số buổi học, sinh viên còn có thể tự định ra chủ đề để bàn bạc.

Theo tôi, phương pháp này giúp sinh viên khơi mở được nhiều vấn đề và giúp họ nâng cao khả năng sáng tạo. Giáo viên chỉ là người gợi ý và hướng dẫn cho họ mà thôi. Trong khi đó, ở Thái Lan, và tôi nghĩ là cả ở một số nước châu Á khác, người ta đang áp dụng phương pháp dạy học Teacher center, tức là thầy giáo sẽ là trung tâm trong lớp học. Mọi điều thầy giáo nói ra là chuẩn mực và sẽ không có ý kiến nào có thể phản bác.

Hiện tại ở Thái Lan, một số nhà trẻ đã áp dụng phương pháp child center, tức là lấy trẻ làm trung tâm, trong nuôi dạy trẻ. Phương pháp này đã xuất hiện ở các nhà trẻ của Thái Lan từ khoảng 10 năm nay. Việc giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, theo tôi, là linh động và thật sự có lợi cho sự phát triển về sau của học sinh.

Việt Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.