Du học sinh Việt Nam rất dễ hòa nhập ở New Zealand

10/11/2016 17:00 GMT+7

Theo TS Trần Văn, người vừa nhận giải thưởng của đại sứ New Zealand vì những đóng góp cho quan hệ song phương, New Zealand rất đáng là một lựa chọn cho các bạn trẻ ưu tiên khi tìm hướng du học.

Tại buổi tiệc tối chiêu đãi hơn 100 cựu du học sinh VN từng học tập tại New Zealand ở nhà riêng của mình tại Hà Nội hôm 9.11.2016, ông Haike Manning đại sứ New Zealand cho biết, hiện có hơn 2.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand. Ngoài ra đã có hàng ngàn cựu du học sinh Việt Nam, những người như TS Trần Văn, đã tốt nghiệp và đang tận dụng những kỹ năng, kiến thức mà họ đã trau dồi để đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển của quê hương, cũng như vào mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand. Còn ông Ben Burowes, Giám đốc Truyền thông và quan hệ chiến lược khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) cũng cho biết: “Nhiều trường New Zealand đã thiết lập thành công các chương trình liên kết và hợp tác với các trường Việt Nam. Các trường New Zealand cũng thường xuyên đến thăm Việt Nam để trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm chuyên môn với các trường Việt Nam. Vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các trường New Zealand và Việt Nam trong tương lai”.
Du học sinh Việt Nam rất dễ hòa nhập ở New Zealand 1
TS Trần Văn (cán bộ Văn phòng Quốc hội) có mối quan hệ gắn bó với New Zealand khởi nguồn từ khóa đào tạo tiếng Anh tại ĐH Victoria Wellington sau khi trở thành đại biểu quốc hội khóa trước. Ông là người tích cực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, giữ vai trò Chủ tịch nhóm nghị sĩ Hữu nghị New Zealand – Việt Nam nhiệm kỳ 2011 – 2016. Trong nhiệm kỳ công tác của mình, ông đã dẫn đầu nhiều đoàn đại biểu VN đến thăm Quốc hội New Zealand và là tác giả của nhiều bài viết về cơ cấu quản trị hiệu quả của New Zealand cũng như thiên nhiên tươi đẹp tại đảo quốc này.
TS Văn nhận xét, nếu có điều kiện, các gia đình cho con em mình sang New Zealand du học thì rất tốt. Đó là một đất nước nói tiếng Anh (đây là một yếu tố rất thuận lợi trong quá trình học tập của các em cũng như quá trình làm việc sau này), môi trường giáo dục rất chuyên nghiệp, con người thì rất thiện chí, chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ, môi trường rất sạch và thực phẩm thì rất an toàn.
Du học sinh Việt Nam rất dễ hòa nhập ở New Zealand 2
TS Trần Văn nhấn mạnh: “Một ưu điểm nổi trội mà cá nhân tôi rất ấn tượng là người dân New Zealand rất quý người. Khi du học sinh mình đến ở homestay ở nhà dân, họ giúp đỡ hết sức tận tình. Không phải vì họ cần thêm một chút thu nhập mà bản tính con người ở xứ sở đó là như thế. Họ được thiên nhiên ưu đãi, sống trong một đất nước phát triển, được hưởng phúc lợi xã hội cao, bản tính lại lương thiện nên họ rất quan tâm giúp đỡ du học sinh ở các nước chưa phát triển đến học tập ở nước mình. Đó là yếu tố tiên quyết giúp cho du học sinh Việt Nam khi sang New Zealand học dễ dàng hòa nhập”.
Đại sứ Manning cũng cho biết Việt Nam là một trong 10 nước mà Chính phủ New Zealand ưu tiên trong hợp tác về giáo dục và đào tạo. Từ nhiều năm nay, đều đặn hàng năm Chính phủ New Zealand đã trao học bổng New Zealand – ASEAN cho các bạn trẻ Việt Nam sang New Zealand học sau đại học với 30 suất/ năm. Hai nước cũng đang thực hiện chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ nhà nước (ELTO) hướng đến việc cải thiện khả năng tiếng Anh cho cán bộ trong Chính phủ Việt Nam. Chương trình học kéo dài 22 tuần tại New Zealand, mỗi tuần có một chủ đề đặc biệt liên quan đến phạm vi công việc của họ. Có 25 cán bộ công chức được đào tạo mỗi năm, đến nay đã có khoảng 450 cán bộ Việt Nam tham gia chương trình này.
Đặc biệt, giải thưởng Đào tạo Ngắn hạn là một hình thức hỗ trợ mới cho Việt Nam, cung cấp những khóa đào tạo ngắn hạn ở New Zealand cho 11 cán bộ, doanh nhân, giảng viên Việt Nam được đề cử mỗi năm. Những khóa đầu tiên tập trung vào quản trị khu vực công, bắt đầu từ năm 2016, và nhiều khóa đào tạo hơn nữa sẽ tập trung vào nông nghiệp, năng lượng tái tạo, quản trị rủi ro thiên nhiên và phát triển khu vực tư nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.