Dự thảo về “chuẩn” bậc Mầm non: Muốn nhưng... khó!

14/11/2010 23:46 GMT+7

Dự thảo lần 4 Thông tư về định mức biên chế bậc giáo viên Mầm non của Bộ GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến cho rằng rất lý tưởng nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được.

Thực tiễn bi đát

Theo Điều lệ trường mầm non (MN) do Bộ GD-ĐT ban hành, mỗi lớp MN công lập phải đảm bảo dưới 35 cháu/lớp/2 cô. Từ mức này trở lên, cứ thêm 10 cháu, phải thêm một cô giáo. Diện tích dành cho mỗi học sinh (HS) tại các lớp MN phải đạt tối thiểu 1,5 m2. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, số lượng HS các lớp MN công lập  thường gấp đôi so với quy định, thậm chí có lớp đến 70 trẻ.

Tại Hà Nội, chị N.T, có con học ở trường MN Dịch Vọng cho biết sĩ số các lớp rất đông, có lớp tới gần 70 bé mà lại chỉ có 3 cô (đối với lớp nhà trẻ, mẫu giáo bé), 2 cô đối với mẫu giáo lớn nên đầu giờ sáng các cô rất bận, đến nỗi không đáp lại cả lời chào của HS. Trong số 6 phường trên địa bàn TP chưa có trường MN công lập, riêng Q.Đống Đa đã chiếm tới 4 phường nên tình trạng quá tải có thể thấy ở hầu hết các trường MN công lập quận này.

Theo phản ảnh của một số phụ huynh trường MN công lập Kim Liên, nhiều lớp ở đây cũng xấp xỉ 70 HS. Tương tự, các trường MN Họa My, Tuổi Thơ (Q.Ba Đình) cũng luôn trong tình trạng quá tải. Sĩ số trung bình là 50 trẻ/lớp. Nếu thực hiện đúng quy định, quận này cần ít nhất 60 phòng học, tương đương với 6 trường học.

Con số lý tưởng

Dự thảo lần 4 hướng dẫn định mức biên chế ở các cơ sở giáo dục MN công lập của Bộ GD-ĐT quy định:

Đối với nhóm trẻ từ 3 - 12 tháng tuổi không quá 4 cháu/cô và không quá 15 trẻ/nhóm; từ 13 - 24 tháng tuổi, không quá 10 cháu/cô và không quá 20 trẻ/nhóm; từ 25 - 36 tháng tuổi, không quá 15 cháu/cô và không quá 25 trẻ/nhóm.

Đối với lớp mẫu giáo trung bình có 2,5 GV nuôi giữ trẻ từ 3 - 4 tuổi, không quá 25 trẻ/lớp; từ 4 - 5 tuổi, không quá 30 trẻ/lớp; từ 5 - 6 tuổi, không quá 35 trẻ/lớp.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Dung - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Đống Đa thông tin: tình hình quá tải rõ nhất ở các điểm “nóng” là trường đóng cạnh những phường chưa có trường MN. Bà Dung thừa nhận: “Tình trạng phụ huynh phải xếp hàng cả đêm vì một chỗ học trong trường MN vẫn còn diễn ra rất căng thẳng”.

Tại TP.HCM, hằng ngày, 53 HS lớp Mầm 2 (từ 3 - 4 tuổi) trường MN Hoa Lư (Q.1) cùng vui chơi và sinh hoạt trong phòng học khoảng 80 m2. Vào giờ học chính khóa, 2 giáo viên (GV) phụ trách phải chia lớp thành 2 nhóm nhỏ để thực hiện các nội dung của chương trình. Trường có  tổng số 8 lớp thì lớp có sĩ số ít nhất cũng là 48 HS. Trong khi đó bà Tôn Nữ Kim Anh - Hiệu trưởng trường MN Bến Thành (Q.1), cho biết: “Số lượng HS tăng mỗi năm. Năm nay sĩ số trung bình của trường là 60 HS/lớp. Nhu cầu học tập của trẻ còn nhiều lắm nhưng chúng tôi không thể kham nổi vì phải đảm bảo điều kiện, sức khỏe, an toàn cho các em”.

Trường MN Vàng Anh (Q.5) là trường công lập tự chủ tài chính, được xây dựng bằng vốn vay kích cầu nên học phí cao hơn các trường khác nhưng sĩ số các lớp đều trên 60 HS.

Thiếu nhiều thứ

Quy định của Bộ là rất khoa học và lý tưởng nhưng các trường không biết đến khi nào mới thực hiện được

Nguyễn Thị Kim Thanh Trưởng phòng GD mầm non Sở GD- ĐT TP.HCM

Dù sĩ số cao gấp đôi so với quy định nhưng hiện các trường công vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu gửi con của người dân.

Bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: “Thực tế quá tải ở các trường MN Sở đều nắm được.

Hằng năm, Sở có các đoàn thanh tra về tình hình tuyển sinh đầu cấp, yêu cầu các phòng GD-ĐT chấn chỉnh những trường có sĩ số quá đông. Tuy nhiên, do thực tế trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con chính đáng của người dân nên cũng phải hết sức cân nhắc khi xử lý những trường hợp này”. Cũng theo bà Nga, năm vừa qua, dân số cơ học tăng rất nhanh, riêng trẻ MN cả Hà Nội đã tăng 17.560 cháu, trường lớp không chạy theo kịp.

Bà Chung Bích Phượng - Phó phòng GD Tân Phú TP.HCM cho biết: “Hiện nay sĩ số mỗi lớp khoảng 50 HS thì cũng mới chỉ có hơn 5 ngàn trong số 31 ngàn trẻ độ tuổi mẫu giáo được học trường công lập. Nếu bây giờ thực hiện theo quy định của Bộ thì số trẻ học công lập lại giảm đi khoảng 1/2”.

Dự thảo còn quy định con số lý tưởng về lực lượng GV. Theo quy định, đối với những lớp  tới 60 HS, ít nhất phải có 6 GV, song các trường cũng chỉ có thể bố trí tối đa 3 cô.  Bà Lê Thị Kim Vân - Hiệu trưởng trường MN Hoa Lư (Q.1, TP.HCM) cho hay: “Trường nào sắp xếp được 2 - 3 GV đã lý tưởng lắm rồi chứ đòi hỏi cao hơn nữa thì chỉ có đóng cửa trường. Để có được số lượng GV như hiện nay các trường phải tự tìm đến các trường sư phạm nhận giáo sinh về thực tập sau đó thấy em nào phù hợp thì “giữ chỗ” luôn”.

Đồng tình với những quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng GD Q.Tân Bình TP.HCM cho biết: “Mỗi đợt tuyển dụng, có bao nhiêu GV MN chúng tôi đều nhận hết vậy mà vẫn thiếu trầm trọng”.

Bao giờ  ước mơ thành hiện thực?

Phải có một cái chuẩn như vậy thì mới thúc đẩy được sự đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho trẻ

 Bà Phạm Thị Dung Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Đống Đa Hà Nội

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM: “Sĩ số từ 25 - 35 HS/lớp với biên chế trung bình 2,5 GV là niềm mơ ước. Quy định của Bộ là rất khoa học và lý tưởng nhưng các trường không biết đến khi nào mới thực hiện được. Cứ theo đà mở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư ở đô thị lớn mà không quan tâm đến xây dựng các cơ sở giáo dục thì 10 hay 20 năm nữa cũng không đạt được chuẩn trên”. Còn bà Bùi Vân Anh - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy (Hà Nội) thở dài: “Tôi nghĩ đó là những quy định để phấn đấu ở “thì tương lai”, chắc phải lâu lắm mới thực hiện được”.

Mặc dù cho rằng: “so với quy định thì không biết bao giờ mới thực hiện được sĩ số như vậy” nhưng bà Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng khẳng định: “Quy định như vậy là cần thiết để UBND TP cũng như các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất để xây trường”. Bà Dung, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Đống Đa, cũng đồng tình, cho rằng: “Nếu không có những quy định như vậy thì sẽ không bao giờ có thể thay đổi được tình trạng quá tải do thiếu trường trầm trọng như hiện nay. Phải có một cái chuẩn như vậy thì mới thúc đẩy được sự đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho trẻ”. Cụ thể hơn, ông Hải, Trưởng phòng GD Q.Tân Bình TP.HCM, thẳng thắn: “Nếu muốn các địa phương tuân theo quy chuẩn thì nhà nước phải xây dựng thêm trường. Chứ như hiện nay thì đừng mong mà nói đến vấn đề đó”.

Ý kiến

Vấn đề lớn đối với người nhập cư

 

Một chỗ học trong trường MN công lập không phải là đều dễ dàng đối với tất cả trẻ trong độ tuổi mẫu giáo - Ảnh: Đ.N.T

Mức học phí bậc MN thường cao hơn rất nhiều so với các bậc học khác, đặc biệt cao ở các trường tư thục, các nhóm trẻ. Một số gia đình mà cả hai vợ chồng làm công nhân sẽ không thể nuôi nổi một bé đang học ở bậc học MN. Trước thực trạng này, đa số người đang độ tuổi lập gia đình (nhất là những công nhân nhập cư) không dám có gia đình, còn nếu đã có gia đình rồi thì không dám sinh con. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người nhập cư tìm đường quay về quê để sinh sống, tạo nên tình trạng thiếu lao động ở rất nhiều khu công nghiệp

Trần Minh Quân
(hiện đang sống tại TP.HCM)

Cần quy định thêm nhân viên y tế

Tôi rất đồng tình với dự thảo của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Bộ Y tế cũng cần tham gia vào sự nghiệp giáo dục ở lứa tuổi quan trọng số một này bởi vì tuổi thơ không những chỉ được dạy dỗ về kiến thức mà rất cần được chăm sóc y tế. Tôi đề xuất mỗi trường MN cần thiết nên có từ 2 đến 3 y tá, y sĩ hoặc nếu được 1 bác sĩ.

Trường Sinh (Quảng Ngãi)

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.