Đừng mất tiền oan khi học chương trình nước ngoài

05/03/2013 03:00 GMT+7

Trước những bất cập trong việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, nhà nước đang đưa ra nhiều quy định phù hợp với thực tế nhằm giúp những cơ sở này hoạt động đúng luật, học viên không phải mất tiền oan vì những khóa học không có tính pháp lý.

Đừng mất tiền oan khi học chương trình nước ngoài
Trường Melior đột nhiên đóng cửa vào tháng 11 năm ngoái khiến nhiều học viên rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" - Ảnh: Đăng Nguyên

Lách luật thu hút học viên

Hầu hết các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua đều tìm cách lách luật trong tuyển sinh.

Các trường thường xin giấy phép hoạt động khóa dạy nghề ngắn hạn (1 năm trở xuống) tại Sở LĐ-TB-XH, nhưng trên thực tế lại quảng cáo và chiêu sinh đào tạo chương trình CĐ - ĐH, thậm chí cao học bằng cách gộp các khóa ngắn hạn lại để cấp bằng. Trong khi muốn đào tạo và cấp bằng ĐH, CĐ bắt buộc phải xin phép Bộ GD-ĐT.

 

Điều cần thiết là phải có một văn bản thật sự chặt chẽ để đưa các đơn vị này vào khuôn khổ, đảm bảo được chất lượng đào tạo, từ đó bảo vệ quyền lợi cho học viên

Ông NGUYỄN THÀNH HIỆP - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

Tháng 8.2003, Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC được cấp phép thành lập theo hình thức 100% vốn nước ngoài, đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng quản trị kinh doanh, nghiệp vụ văn phòng. Thế nhưng trung tâm này liên tục thông báo chiêu sinh các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ với nhiều trường ĐH của Mỹ dưới tên Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SMTC.

Vào đầu năm 2006, hàng loạt cơ sở của SITC trên toàn lãnh thổ Việt Nam đột ngột đóng cửa liên quan đến việc ông Michael-Yu, Tổng giám đốc, có những hoạt động mờ ám về tài chính. Tất cả tiền đầu tư từ SITC "mẹ" gửi sang đều được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Michael-Yu để ông này sử dụng vì mục đích riêng. Đầu năm 2006, khi SITC "mẹ" phát hiện việc làm mờ ám của ông Michael-Yu và báo cáo với cảnh sát Singapore thì ở Việt Nam, ông Michael-Yu đã ôm tiền bỏ trốn. Hàng chục ngàn học viên bị lừa vì đã đóng học phí trọn gói, hàng trăm giáo viên bị nợ lương.

Điều đáng nói, SITC mở chi nhánh ở rất nhiều tỉnh, thành của Việt Nam nhưng đến khi đột ngột đóng cửa, giấy phép hoạt động của trung tâm này đã hết hạn gần một tháng. Chưa kể, trong suốt 18 tháng hoạt động, trung tâm này không hề có một bản báo cáo, tường trình nào mà không hề bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc.

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006 - 2009, các cơ sở giáo dục như Raffles, Melior, ERC, SIBME... thu hút rất nhiều người có nhu cầu du học tại chỗ. Đã khẳng định được tên tuổi tại một số quốc gia khác, các cơ sở giáo dục này có xuất phát điểm rất thuận lợi tại Việt Nam: thuê một địa điểm ở khu vực trung tâm, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, điều hành chuyên nghiệp… Điều này đã thu hút khá đông người đăng ký vào học tại các cơ sở này. Chỉ tính riêng năm 2012, năm mà những cơ sở này bị buộc ngừng đào tạo do thực hiện các chương trình không phép,  Raffles có số lượng học viên lên hơn 900; Melior, ERC, SIBME… mỗi nơi cũng có hơn 300.

Người học chịu thiệt

Hoạt động thời gian dài cho đến khi bị phát hiện có sai phạm, mỗi khóa các cơ sở đào tạo này đã cấp bằng cho hàng trăm học viên. Sự quản lý chưa sâu sát của các cấp quản lý khiến số học viên đã nhận bằng cũng như đang học rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”. Do các chương trình đào tạo này chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép nên Bộ quyết định không công nhận bằng cấp.

Người đã nhận bằng lo lắng sợ người sử dụng lao động không thừa nhận bằng cấp; học viên đang học bị ngừng học, phải chọn lựa các phương án: đi học tại cơ sở nước ngoài, chuyển qua trường có chương trình quốc tế tại Việt Nam, rút lại học phí… Khi giải quyết, không phải cơ sở nào cũng đưa ra giải pháp hợp lý, thậm chí có nơi lãnh đạo đột ngột biến mất, học viên ngơ ngác không biết phải vịn vào đâu.

Mở cửa nhưng phải quản lý chặt

Trước thực tế này, từ tháng 11.2012, Nghị định 73/2012/NĐ-CP “Quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục” chính thức có hiệu lực. Nghị định này được xem là công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc quản lý các hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong giáo dục đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển giáo dục một cách minh bạch.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, thừa nhận: “Trước đây, các văn bản để quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài vẫn chưa đầy đủ, có nhiều bất cập, khó khăn. Nghị định lần này soạn thảo rất kỹ lưỡng để bổ sung những điểm đó. Riêng các trường ĐH, CĐ, trung tâm có yếu tố nước ngoài cũng được khuyến khích đầu tư nhưng phải có điều kiện”.

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các đơn vị này đóng góp về chương trình, công nghệ nội dung tiên tiến trong đào tạo... “Điều cần thiết là phải có một văn bản thật sự chặt chẽ để đưa các đơn vị này vào khuôn khổ, đảm bảo được chất lượng đào tạo, từ đó bảo vệ quyền lợi cho học viên”, ông Hiệp mong muốn.

Không chỉ có Nghị định 73, hiện tại Bộ GD-ĐT cũng đang soạn thảo nhiều quy định khác liên quan các cơ sở giáo dục này. Chẳng hạn các trường có yếu tố nước ngoài trực thuộc Bộ GD-ĐT quản lý sẽ cùng có những hoạt động chung với các trường khác tại Việt Nam. Những trường này cũng sẽ nằm trong tiến trình kiểm định chất lượng mà Bộ GD-ĐT áp dụng đối với các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam...

Nhiều cấp quản lý

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện Bộ đang quản lý khoảng 400 chương trình liên kết giữa các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam với các trường nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động các trường CĐ, trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề. Theo số liệu của Bộ này, tính đến cuối năm 2012, có tất cả 26 cơ sở dạy nghề có 100% vốn đầu tư nước ngoài, có cổ phần đầu tư của nước ngoài hoặc hợp tác với nước ngoài được cấp phép. Ở mỗi địa phương, đa số các đơn vị này lại được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh dưới hình thức là một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trường học mở ra hoạt động dưới danh nghĩa của công ty.

Một số điều khoản của Nghị định 73

- Định kỳ đăng ký kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐ-TB-XH.

- Cơ sở giáo dục bị đình chỉ tuyển sinh khi không đảm bảo điều kiện hoạt động giáo dục theo quy định của nghị định; vi phạm quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ tuyển sinh; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ sở giáo dục chấm dứt hoạt động và bị giải thể theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, dạy nghề do vi phạm quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục hoặc theo bản án, quyết định của tòa án.

Đăng Nguyên

>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài
>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài - Kỳ 2: Lôi kéo người học bằng mọi cách
>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài - Kỳ 3: Rắc rối liên kết đào tạo ở trường nghề

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.