Gần 70 nhà khoa học quốc tế thảo luận về sự hình thành hệ Mặt trời

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
09/07/2018 18:35 GMT+7

Các nhà thiên văn học quốc tế tập trung ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) để thảo luận về nguyên tố, phân tử và hạt bụi… hình thành nên hệ Mặt trời, Trái đất và con người.

Sáng 9.7, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (ở Pháp) phối hợp với Trường đại học Bordeaux (Pháp), Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tổ chức khai mạc hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề “Chu trình của bụi và khí trong Dải Ngân hà - Từ những ngôi sao già đến những ngôi sao trẻ” tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE - ở TP.Quy Nhơn, Bình Định).
Tham gia hội thảo có khoảng 70 nhà khoa học (trong đó có 8 nhà khoa học Việt Nam) đến từ 20 quốc gia trên thế giới.
Theo bà Anne Dutrey (nhà khoa học về vật lý thiên văn, công tác tại Trường đại học Bordeaux), các đại biểu tham dự hội thảo sẽ trình bày, thảo luận các vấn đề như: Nguồn gốc một số thành phần hình thành nên dải Ngân hà; Những nguyên tố, phân tử và hạt bụi hình thành nên hệ Mặt trời, Trái đất và con người trên Trái đất; Môi trường vật chất giữa các vì sao, vai trò của khí và bụi trong việc hình thành các ngôi sao mới và những hệ hành tinh trên các ngôi sao đó…
Do chủ đề hội thảo này là chủ đề liên ngành, liên quan đến nhiều ngành khác nhau nên các đại biểu tham dự hội thảo có thể là các nhà hành tinh học chuyên nghiên cứu về các hành tinh và sự hình thành hệ Mặt trời, có các nhà hóa học thiên văn chuyên nghiên cứu về sự hình thành và phát triển, tiến hóa của các hạt bụi, các chuyên gia chuyên nghiên cứu về các ngôi sao già và ngôi sao trẻ và rất nhiều nhà khoa học chuyên về quan sát đã sử dụng thiết bị thiên văn hiện đại nhất hiện nay, đó là đài thiên văn ALMA (ở Chile).
Hội thảo sẽ bế mạc vào ngày 14.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.