Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm

28/12/2013 03:15 GMT+7

Trước sự dư thừa nhân lực ngành sư phạm, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH sẽ giảm mạnh chỉ tiêu các ngành này trong mùa tuyển sinh 2014.

>> Liên kết giải quyết nhân lực ngành sư phạm
>> Hồ sơ vào các ngành sư phạm tăng

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013 - d
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Giảm tới 30%

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến giảm 500 chỉ tiêu so với năm 2013. Cụ thể, trong nhóm các ngành sư phạm, trường cân nhắc tăng 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, mỗi ngành 30 chỉ tiêu; còn lại hầu hết đều giảm từ 20 đến 30 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong số những ngành giảm chỉ tiêu, có nhiều ngành cơ bản như: vật lý, sinh học, ngữ văn, địa lý, lịch sử… Đặc biệt, có những ngành giảm chỉ tiêu tới 30% so với năm ngoái, chẳng hạn sư phạm hóa học, giáo dục quốc phòng an ninh đều giảm từ 150 xuống còn 100… 

 

Thực tế có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo. Chẳng hạn như ở tỉnh Đắk Lắk, sinh viên sư phạm chỉ có mấy người được nhận vào dạy

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa,
Trưởng phòng Đào tạo,
Trường ĐH Tây nguyên

Không chỉ trường ĐH trọng điểm, việc giảm chỉ tiêu ngành sư phạm cũng diễn ra mạnh mẽ ở các trường ĐH vùng và địa phương. Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho hay năm 2014 nhà trường đang cân nhắc giảm chỉ tiêu một số ngành. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định các ngành sư phạm sẽ giảm từ 5 đến 10%.

Trường ĐH Đồng Tháp cũng dự kiến sẽ giảm một số ngành như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, một trong hai ngành sư phạm địa lý và sư phạm lịch sử. Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, cho biết tùy theo tình hình thực tế thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành, trường sẽ phân bổ chỉ tiêu cho phù hợp.

Trường ĐH Tây nguyên cũng quyết định sẽ giảm khoảng 10% chỉ tiêu các ngành sư phạm. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, việc giảm chỉ tiêu này sẽ tiến hành đồng loạt ở tất cả các ngành.

Tuyển sinh chưa theo dự báo

Trước khi các trường thực hiện việc giảm chỉ tiêu thì trong năm 2013, Bộ đã 2 lần ra văn bản yêu cầu các trường giảm dần việc tuyển sinh các ngành sư phạm. Trong văn bản ra ngày 11.7, Bộ thông báo tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ. Giữa tháng 12, Bộ tiếp tục yêu cầu các trường khi xác định và đăng ký cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm chính quy năm 2014 phải theo hướng giảm dần. Lý do việc điều chỉnh chỉ tiêu này để phù hợp nhu cầu sử dụng thực tế, đảm bảo cân đối cung cầu nhân lực ngành này. 

Tình trạng dư thừa nhân lực ngành sư phạm đã diễn ra nhiều năm nhưng đến năm nay Bộ mới chính thức có động thái cảnh báo. Và chỉ khi có yêu cầu của Bộ, các trường mới bắt đầu cắt giảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo đại diện một số trường, việc cắt giảm chỉ tiêu không chỉ thực hiện theo tinh thần văn bản của Bộ mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh chỉ tiêu các ngành sư phạm nhằm phù hợp với yêu cầu nhân lực thực tế qua dự báo của các địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng việc điều chỉnh một mặt theo yêu cầu của Bộ nhưng quan trọng là để tuyển sinh cho sát với yêu cầu thực tế của xã hội: “Thực tế có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo. Chẳng hạn như ở tỉnh Đắk Lắk, sinh viên sư phạm chỉ có mấy người được nhận vào dạy”. Tương tự, thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh thừa nhận: “Do cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó khăn nên ngày càng ít người học quan tâm các ngành này và cũng vì người học không có nên trường quyết định cắt bớt chỉ tiêu”.

Rất tâm tư, thạc sĩ Nguyễn Minh Trí phân tích: “Các ngành sư phạm nhu cầu người học vẫn cao nhưng thực tế nhu cầu nhân lực của xã hội hiện không ổn định. Tuy nhiên, có thể do chưa có đủ thông tin để nhận biết điều này nên người học vẫn đăng ký thi vào sư phạm. Là đơn vị đứng giữa, căn cứ vào nhu cầu thực tế việc làm, trường cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp hơn”.

Khái quát nguyên nhân hiện tượng này, lãnh đạo một trường ĐH sư phạm cho rằng việc giao chỉ tiêu của Bộ trước nay chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo của các trường mà không bám vào dự báo nhu cầu nhân lực thực tế. Điều ấy kéo dài đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhân lực sư phạm như hiện nay. Để giải quyết căn bản vấn đề, Bộ cần tiến hành rà soát kỹ nhằm quy hoạch mạng lưới các trường đủ năng lực đào tạo sư phạm. Với ngành sư phạm chỉ nên giao cho những trường trọng điểm thay vì dàn trải như hiện nay. Đặc biệt, việc giao chỉ tiêu các ngành sư phạm cần phải bám sát vào dự báo nhu cầu nhân lực thực tế của các địa phương.

Tiếp tục giảm các ngành kinh tế; tăng kỹ thuật, công nghệ

Sáng 27.12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014. Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT, cho biết năm 2014 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 7%, thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2013; đồng thời sẽ giữ ổn định chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ chính quy để nâng cao chất lượng.

Bộ yêu cầu các trường phải cân đối chỉ tiêu với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên dạy theo chuyên ngành; đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu các ngành theo hướng giảm ở nhóm ngành kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh; tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược, nghệ thuật. Chỉ tiêu sư phạm sẽ điều chỉnh giảm dần trong các năm tới. Đối với nhóm ngành y dược, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải đăng ký chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành này trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.

Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy chỉ được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu chính quy. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo lộ trình 20%/năm. Các trường trực thuộc Bộ phải giảm nhanh hơn để dừng tuyển sinh đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trước năm 2017.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ đang trình Chính phủ đề án cho phép 4 trường ĐH tự chủ tài chính (Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Viện ĐH mở Hà Nội và Kinh tế TP.HCM) thí điểm được quyền quyết định học phí ngoài mức quy định hiện hành. Nếu được Chính phủ thông qua, các trường sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2014.  

Vũ Thơ

Hà Ánh

>> Miễn học phí cho thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp
>> Hạn chế Trường ĐH Phú Yên tuyển sinh ngành sư phạm
>> Tỷ lệ sinh viên nhiều ngành sư phạm nhập học thấp
>> Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm - Kỳ 4: Nghề đặc biệt phải có chính sách đặc thù
>> Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm - Kỳ 3: Lo ngại cho tương lai nền giáo dục
>> Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm - Kỳ 2: Còi cọc đồng lương, bấp bênh việc làm
>> Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm
>> Ít thí sinh dự thi ngành sư phạm ĐH An Giang
>> Ngành sư phạm giảm sức hút
>> Ngành sư phạm: Lo khủng hoảng đầu vào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.