Giáo sư Trần Đình Sử: Giáo viên phải rất cảnh giác khi dùng tài liệu bồi dưỡng môn Văn (?!)

17/08/2006 22:22 GMT+7

Cho đến thời điểm này, sách giáo khoa lớp 10 và tài liệu bồi dưỡng giáo viên (GV) đã có mặt trên các kệ sách để phục vụ năm học mới. Tuy nhiên, dư luận không khỏi bất ngờ khi đọc được những câu văn kiểu như “Nguyễn Trãi là “người xưa của ta nay” trong vấn đề bảo vệ môi trường”. Giáo sư (GS) Trần Đình Sử, chủ biên cuốn sách bồi dưỡng GV dạy môn Ngữ văn nâng cao (cuốn dành cho GV dạy môn Ngữ văn chương trình chuẩn do GS Phan Trọng Luận làm chủ biên) đã dành cho Thanh Niên một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Theo sách bồi dưỡng GV, khi hướng dẫn dạy bài Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) có yêu cầu "GV cần lưu ý cho học sinh rằng bằng linh cảm thiên tài, Nguyễn Trãi đã đề cập vấn đề môi trường sống! (trang 21). Không ít GV đã phản ứng về yêu cầu này. Tại sao lại có sự "tích hợp" như vậy, thưa GS?

- Về những dẫn chứng cho rằng có sai sót trong tài liệu bồi dưỡng GV thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 10 THPT môn Ngữ văn, xin nói trước tôi không phải là chủ biên của tài liệu này (GS Phan Trọng Luận là chủ biên). Tuy nhiên, tôi đã liên hệ với tác giả viết bài này và tác giả đã khẳng định, câu đó chỉ có trong bản thảo, hoặc sách GV in thử. Sau khi có những đóng góp, chỉnh sửa, thì trong lần in chính thức của sách GV đã không còn câu này nữa.

Ở trang 55, sách bồi dưỡng GV chỉ đạo thực hiện GV dạy môn Ngữ văn lớp 10 theo chương trình chuẩn, khi hướng dẫn dạy bài Đại cáo bình Ngô đã gợi ý GV: "Kết hợp tích hợp giáo dục môi trường khi giảng bài Đại cáo bình Ngô: lúc lên án tố cáo tội ác kẻ thù, tác giả tố cáo hành động hủy diệt môi trường sống. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời - Nặng thuế khóa sạch không đầm núi (…) với những câu văn trên, Nguyễn Trãi là "người xưa của ta nay" trong vấn đề bảo vệ môi trường". Trao đổi với tôi, tác giả vẫn cho rằng Nguyễn Trãi không chỉ lên án tội ác của kẻ thù về hủy hoại của cải vật chất, con người, mà còn hủy diệt cả môi trường sống nữa. Tất nhiên đó là do cách cảm nhận, suy nghĩ của mỗi người, tôi không bàn luận về vấn đề này.


Còn nửa tháng nữa học sinh sẽ bước vào năm học mới. ảnh: Ngọc Hải

Theo yêu cầu của chương trình giáo dục mới, các tác giả viết sách GV cần tích hợp, kết hợp giáo dục về môi trường, về kỹ năng sống... cho học sinh trong những môn học chính khóa. Chính vì lý do đó nên tác giả viết sách cũng cố gắng thực hiện điều này. Tuy nhiên, rõ ràng, việc kết hợp giáo dục môi trường trong bài văn Đại cáo bình Ngô là rất khiên cưỡng. Thực ra trong sách hướng dẫn GV là như vậy, những GV vững về chuyên môn thì không bao giờ rập khuôn theo những gì mà sách hướng dẫn (?). Vấn đề gì mà họ thấy không hợp lý, không cần thiết thì hoàn toàn có thể lược bỏ. Nội dung, tư tưởng chính mà GV hướng học sinh cảm nhận về tác phẩm này tất nhiên không phải là ý thức bảo vệ môi trường.

* Vậy còn trường hợp bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão) mà sách giáo khoa (bộ nâng cao) đặt câu hỏi: Bài thơ được sáng tác trong thời kỳ nào và đưa ra 4 đáp án (A: nhà Tống; B: nhà Đường; C: nhà Minh; D: nhà Thanh).  GS lý giải thế nào?

- Tôi đã đọc bản gốc có trong tay thì không có sự sai sót nêu trên. Như vậy có thể trong quá trình in sao, do lỗi kỹ thuật nên đã lẫn lộn giữa bài trên với bài dưới. Vì ở phần tổ chức kiểm tra, thi cử, mục ra đề thi trắc nghiệm có thể những đáp án của bài Điểu Minh Giản ở trang 132 bị lẫn sang đáp án với bài Thuật hoài. Cụ thể, ở câu trên "Điểu Minh Giản" được sáng tác vào thời nào? sách đưa ra mô hình trắc nghiệm như sau: A. Nhà Tống. B. Nhà Đường. C. Nhà Minh. D. Nhà Thanh. Ngay dưới đó là câu: Bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão) thuộc thể loại gì, sách đưa ra mô hình trắc nghiệm như sau: A: Thất ngôn; B: Ngũ ngôn; C: Lục ngôn; D: Thất ngôn chen lục ngôn. Lỗi này hoàn toàn thuộc về kỹ thuật nên trong quá trình bồi dưỡng GV, người tập huấn có thể đính chính lại.

Sách bồi dưỡng GV viết trong thời gian rất gấp, chỉ khoảng 1 tuần nên những sai sót về kỹ thuật, về nội dung rất khó tránh khỏi. Trong khi bồi dưỡng cho GV chúng tôi cũng đính chính (bằng miệng) những chỗ sai sót, hoặc nhầm lẫn trong tài liệu. Bản thân tôi cũng thường khuyên GV phải rất cảnh giác trong khi sử dụng tài liệu này (!?).

Có kịp sửa chữa sai sót?

Xung quanh những sai sót trong các tài liệu bồi dưỡng GV dạy môn Ngữ văn lớp 10, ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết: "Bộ GD-ĐT xin lắng nghe những ý kiến xung quanh các cuốn sách trên, sẽ giao cho chuyên viên các bộ môn thẩm định lại và chuyển cho các tác giả, chủ biên, tổng chủ biên, hội đồng thẩm định. Nếu tác giả và hội đồng thẩm định không thống nhất được với nhau cách sửa chữa, chúng tôi sẽ đề nghị đưa ra hội đồng bộ môn. Về những câu văn: "Nguyễn Trãi là "người xưa của ta nay" trong vấn đề bảo vệ môi trường" chúng tôi không bình luận sâu về học thuật. Nhưng tôi xin nhấn mạnh: tích hợp là một phương châm hành động, một nguyên tắc sư phạm. Tích hợp là lồng ghép các vùng giáp ranh, vùng giao thoa giữa các lĩnh vực, thâm nhập từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia trong quá trình giảng dạy. Nó đòi hỏi kiến thức của người làm tích hợp phải rộng, đặc biệt phải có vốn sống thực tế sâu sắc, vì tích hợp còn là sự gắn kết kiến thức với thực tiễn.

Nguyên tắc làm sách GV lần này của chúng tôi là không làm cho GV "nô lệ", mà kích thích sự sáng tạo của GV, đi vào những nội dung khó, mới; Đổi mới phương pháp giảng dạy của GV; Hướng dẫn GV dạy học sinh tự nghiên cứu và giúp học sinh không tiếp cận kiến thức một cách máy móc. Đó là những gì chúng tôi mong muốn, còn cuốn sách có đạt được những yêu cầu đó hay không còn tùy thuộc vào trình độ của người viết sách và hội đồng thẩm định".

Ông Tần khẳng định: Những chỗ nào còn lỗi trong sách giáo khoa và tài liệu bồi dưỡng GV, người biên soạn và hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Tần không đưa ra cách xử lý cụ thể và thời gian sửa chữa những sai sót trên khi chỉ còn nửa tháng nữa là đã bước vào năm học mới!

T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.