Giơ cao đánh khẽ

10/04/2017 10:57 GMT+7

Năm 2016, tại huyện miền đất Minh Hóa (Quảng Bình) chộn rộn điều chuyển cán bộ, giáo viên (GV) quy mô lớn. Có đến 145 trường hợp tại 43 trường học 'được' điều chuyển, khi toàn huyện chỉ có 53 trường học.

Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng 8 và 9.2016, có đến 133 cán bộ quản lý, GV tại 43 trường nhận lệnh điều chuyển. Một số trường bị điều chuyển… gần hết cán bộ quản lý, chi ủy viên trong chi bộ nhà trường nên Đảng ủy xã phải cử đảng ủy viên tạm thời làm Bí thư chi bộ của trường.

tin liên quan

Hàng loạt sai phạm nhưng chỉ 'kiểm điểm nghiêm túc'
UBND tỉnh Quảng Bình đã kết luận hàng loạt sai phạm tại huyện miền núi Minh Hóa khi UBND huyện này điều chuyển 145 cán bộ, giáo viên (GV) hồi năm 2016, nhưng chỉ yêu cầu 'kiểm điểm nghiêm túc' các cá nhân liên quan.
Bây giờ, mọi chuyện đã hai năm rõ mười với kết luận thanh tra vừa được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành. UBND H.Minh Hóa đã không tuân thủ đúng quy định và quy chế phân cấp quản lý; chưa bàn bạc cụ thể, thấu đáo trong tập thể lãnh đạo UBND huyện. Giữa Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT phối hợp chưa chặt chẽ, đầy đủ, chưa nắm rõ đặc điểm và tình hình của các trường; chưa xem xét, nghiên cứu kỹ hoàn cảnh gia đình cũng như nguyện vọng của cán bộ quản lý, GV. Khi điều chuyển, UBND huyện cũng chưa chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch cụ thể từ đầu năm học và điều chuyển GV giữa các trường học không đúng thẩm quyền quy định. Điều chuyển không vì mục đích cân đối đội ngũ, thừa thiếu GV, tăng cường GV cho các xã đặc biệt khó khăn hoặc quan tâm các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ ở vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn...
Cũng trong năm 2016, việc tuyển dụng GV mới tại đây cũng khiến dư luận bất bình. Ở chuyên ngành Văn và môn khác, ứng viên Đinh Thị Ngà có tổng điểm cao nhất (354,6 điểm), lẽ ra Ngà và người có số điểm cao thứ 2 sẽ trúng tuyển. Thế nhưng, quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển do Chủ tịch UBND huyện ký sau đó lại “chọn” người có điểm cao thứ 3. Khi bị khiếu kiện, Chủ tịch UBND huyện lý giải sự nhầm lẫn do Ngà ghi thông tin trên bìa hồ sơ và trong đơn khác nhau (!), và đề nghị Sở Nội vụ cho thêm chỉ tiêu. Lại có trường hợp khiếu kiện khác liên quan đến chuyện đưa máy ghi âm vào phòng thi phỏng vấn.
Chưa hết, tại nhiều nơi ở Minh Hóa như Hóa Sơn, Minh Hóa, Quy Hóa, Dân Hóa… dù được rót hàng tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất nhưng đều rơi vào tình trạng dang dở hoặc kém chất lượng; trong khi GV, học sinh phải dạy học trong những ngôi trường chật chội, rách nát. Nhà thầu đến làm vài ba hạng mục rồi dừng, nhưng vẫn được chủ đầu tư (UBND xã) phóng khoáng giải ngân gần hết tổng vốn để rồi nhà thầu cao chạy xa bay. Đơn cử công trình nhà bán trú cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa có tổng vốn 3,5 tỉ đồng, khởi công năm 2010, nhà thầu đổ phần móng và một số trụ rồi… bất động từ đó đến nay.
Vấn đề đặt ra là dù phát hiện sai phạm, nhưng việc xử lý sau đó có phần thiếu quyết liệt. Tình trạng xây dựng không hợp lý, phòng học, thiết bị thiếu thốn nhưng đầu tư công trình phụ trợ (cổng trường, hàng rào) lại được “ưu tiên” nguồn vốn hàng trăm triệu đồng… kéo dài nhiều năm qua ở Minh Hóa nhưng chẳng có cán bộ quản lý nào chịu trách nhiệm để rồi sai phạm nối tiếp sai phạm. Riêng chuyện điều chuyển GV, dù thực hiện trái quy định và gây xáo trôn lớn nhưng trong kết luận thanh tra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ” khi đề nghị tổ chức “kiểm điểm nghiêm túc” đối với các tập thể và cá nhân liên quan.
Thật khó giải quyết rốt ráo các vấn đề về quản lý và đủ sức răn đe, nếu những sai phạm như đã xảy ra ở Minh Hóa chỉ dừng ở yêu cầu “kiểm điểm nghiêm túc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.