Hàng trăm học sinh miền núi có nguy cơ nghỉ học vì bị cắt hỗ trợ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
06/11/2018 13:58 GMT+7

Do không còn được hưởng các chế độ chính sách dành cho học sinh miền núi khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, hàng trăm học sinh ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục H.Tây Giang, trong học kỳ 1 năm học 2017 - 2018, có hơn 370 học sinh (HS) bán trú không được hưởng các chế độ chính sách; trong đó Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Bhalêê 33 HS, Trường PTDTBT THCS Nguyễn Bá Ngọc 41 HS, Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi 180 HS và Trường THPT Tây Giang 119 HS. Trong năm học 2018 - 2019, số HS bán trú tại các trường trên địa bàn không được hỗ trợ là 332.
Số HS bán trú này không được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP và quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các HS này không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn nữa nên không được hưởng các chế độ chính sách như trước đây, do xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước thực trạng này, UBND H.Tây Giang đã hỗ trợ kinh phí để các trường mua lương thực, thực phẩm cho HS. Năm học 2017 - 2018, H.Tây Giang thống nhất hỗ trợ 360.000 đồng/HS với thời gian 9 tháng.
Ông Hồ Minh Quốc, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi, cho biết hầu hết HS đều là người Cơ Tu, gia đình rất khó khăn. Năm nay, nhà trường có tới 260 trong tổng số 266 HS bị cắt hỗ trợ. Trong năm học 2018 - 2019, đã có 22 HS nghỉ học giữa chừng. Hiện bữa ăn của HS được duy trì nhờ vào nguồn hỗ trợ của huyện, tuy nhiên để đảm bảo đầy đủ như trước đây thì rất khó. "Muốn các em đi học đều, phải duy trì bán trú, muốn duy trì bán trú thì phải có nguồn kinh phí hỗ trợ. Nếu sau này huyện không còn nguồn lực hỗ trợ nữa thì nguy cơ các em bỏ học rất là cao", ông Quốc nói.
Hội Xuân (lớp 9/1, Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi) buồn bã cho hay từ khi nghe thầy cô nói bị cắt chế độ hỗ trợ không thể ở bán trú nữa, ai cũng lo lắng vì nếu cắt hỗ trợ thì sẽ không còn được ăn ở trường nữa mà phải về nhà. "Nhà em ở xa trường nên việc đi lại rất khó khăn. Em và các bạn sợ phải nghỉ học giữa chừng mất", Xuân lo lắng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay đa số nhà HS cách trường từ 10 - 20 km, nếu không ở bán trú thì không thể đi học được. Huyện vẫn duy trì bán trú và tìm mọi cách hỗ trợ để HS không phải nghỉ học giữa chừng. Đồng thời kiến nghị với tỉnh Quảng Nam và T.Ư có cơ chế, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo cho các em ở bán trú nâng cao chất lượng học tập, duy trì sĩ số trên lớp. “Với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương còn khó khăn nên việc duy trì hỗ trợ lâu dài cho các HS là điều rất khó. Huyện không thể ban hành một quy chế, quyết định riêng dành cho HS được”, ông Blúi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.