'Hãy nói là con được điểm 9'

17/09/2017 09:43 GMT+7

Đây là câu chuyện của đầu năm học này. Năm nay tôi là giáo viên chủ nhiệm ở một lớp thuộc khối trung học cơ sở.

Mỗi cuối ngày chúng tôi đều phải kiểm tra tập thông báo của học sinh. Quyển tập này để các em ghi chú lại những việc cần làm, cần học, cần chuẩn bị cho ngày mai, đồng thời có tác dụng giúp giáo viên gửi thông báo đến phụ huynh.
Hôm nay, tôi kiểm tra tập thông báo của từng em, bên dưới học trò tranh thủ chuẩn bị bài cho ngày mai. Đến tập của A., ngay trang thông báo mới nhất, tôi bắt gặp một mảnh giấy ghi chú gắn kèm.
“Hãy nói là con được điểm 9 môn Toán đi”
A. cố tâm viết chữ thật to để thu hút chú ý. Tôi đưa mắt nhìn xuống thì thấy cậu bé đang nâng tập lên che nửa mặt, chỉ còn lại đôi mắt vừa lo lắng vừa háo hức nhìn lên ông thầy chủ nhiệm mới - trông cứ như chú mèo con đang nép sau cánh cửa tròn xoe mắt quan sát thế giới bên ngoài.
Tôi cố giấu cái cười đi, làm như không thấy gì và tiếp tục với công việc duyệt, phê, ký của mình.
Miếng ghi chú của A. làm tôi nhớ đến cái tin tôi gửi cho phụ huynh, đó là năm đầu tiên tôi làm giáo viên chủ nhiệm. “Dạo này Đ. học tốt, có cả điểm 8 ở bài kiểm tra một tiết...”. Đấy là tin nhắn để phụ huynh an tâm sau một loạt vi phạm của Đ. - tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng cần thông báo để phụ huynh biết. Nào ngờ ba mươi phút sau tôi nhận lại tin nhắn khá dài: “Nhiều năm nay, mỗi chiều nhận được tin nhắn là tôi lại hồi hộp không biết hôm nay Đ. vi phạm lỗi gì, có cần sắp xếp công việc để vô trường không. Lúc nãy đang ngồi trên xe chở hàng, nhận được tin nhắn của thầy tôi tưởng là báo tin vi phạm. Đọc xong tôi mừng rớt nước mắt, quên hết mệt mỏi...”.
Tôi bần thần, vừa thương phụ huynh vừa muốn… giận học trò. Tôi không nói được gì, chỉ vẫy tay gọi học trò lên rồi đưa em ấy đọc tin nhắn trên điện thoại. Cậu bé về lại vị trí, mặt cũng lộ vẻ trầm tư.
Tôi nhớ cả những lần học trò dằn tập giận dỗi, hỏi ra mới biết là vì tôi toàn “kể tội” mà không khen lấy một lời - bởi trong tuần em ấy vi phạm nhiều quá, tôi quên luôn những điểm tốt mà em ấy có được.
Tôi đợi khi A. quay mặt đi không còn “rình” nữa thì kiểm tra lại sổ ghi nhận tình hình học tập ở lớp, đúng là cậu bé được điểm 9.
Tôi dùng bút đỏ ghi vào tập thông báo như nguyện vọng của cậu.
Khi tập phát ra, dẫu không nhìn tôi vẫn nhận ra rằng cậu bé đã nhảy dựng lên, quơ tay đầy hào hứng.
Chúng ta đều biết rằng phụ huynh luôn mong tin tốt về con hoặc những lời an ủi đồng cảm, chứ không chỉ là những lời mắng vốn, “giận cá chém thớt” khi nhận sổ liên lạc hay đi họp phụ huynh. Chúng ta đều hiểu rằng lời khen ngợi, động viên có tác dụng mạnh mẽ hơn lời hờn giận, trách móc. Nhưng đôi khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác, chúng ta quên sạch những ưu điểm mà họ có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.