Hay và dở

10/06/2009 22:35 GMT+7

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề thi môn Văn có một câu hỏi mở được cho là đổi mới trong cách ra đề, phát huy tính sáng tạo của học sinh, khắc phục tình trạng học tủ, học vẹt và việc quay cóp khi làm bài. Tuy nhiên, khi phân tích câu hỏi mở này sẽ thấy có không ít điều còn chưa ổn.

Câu 2 của đề thi tốt nghiệp THPT ra như sau: “Viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách”.

Có thể thấy đây là một đề bài muốn kiểm tra khả năng nghị luận xã hội của thí sinh (TS). Nội dung đề không có gì đáng bàn vì đây là một đề thi hay và đề tài này cũng không quá khó so với khả năng nhận thức của TS. Tuy nhiên hình thức và yêu cầu của đề bài thì lại là một vấn đề quá khó.

Thứ nhất đề thi yêu cầu viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ). Đã là bài văn thì yêu cầu phải có mở bài, thân bài, kết luận và có kết cấu chặt chẽ, vừa đúng kỹ năng của một bài nghị luận vừa thể hiện được đầy đủ ý tưởng của người viết. Để thực hiện được điều này, người viết cần phải có rất nhiều thời gian ngồi suy ngẫm để cân nhắc, lựa chọn làm sao cho ý tưởng được bày tỏ một cách đầy đủ và ấn tượng nhất.

Tuy nhiên, thời gian dành cho bài văn này của TS chỉ được khống chế trong khoảng thời gian rất ngắn. Nếu quy theo mức điểm mà đề thi cho phép (3/10 điểm trong thời gian 150 phút) thì TS chỉ có thể viết trong khoảng 45 phút. Chỉ có 45 phút, nhưng theo đáp án mà Bộ đưa ra thì bài văn phải đảm bảo được nhiều luận điểm lớn như: tầm quan trọng của sách (sách là sản phẩm tinh thần của con người; là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại); tác dụng của đọc sách; quan điểm về việc đọc sách (Phê phán hiện tượng lười đọc sách và đọc sách thiếu lựa chọn; Cần hình thành thói quen đọc sách và biết lựa chọn sách để đọc).

Riêng phần tác dụng của đọc sách, TS đã cần phải trình bày một loạt luận chứng như: mở rộng, nâng cao hiểu biết trên nhiều lĩnh vực; bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, lẽ sống; đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh… cho con người. Để làm được điều đó, TS sẽ phải đưa ra nhiều luận cứ. Liệu với 45 phút có đủ thời gian cho TS vừa nghĩ vừa viết? Đáng nói hơn là đề thi yêu cầu viết một bài văn nhưng lại giới hạn chỉ có không quá 400 từ (cũng cần phải phân biệt số từ và số chữ khác nhau). Như vậy TS vừa viết nhưng lại còn vừa phải tính vì sợ vượt quá số từ mà đề bài yêu cầu.

Thứ hai, là những lo ngại trong việc chấm thi. Có ý kiến cho rằng, đã ra một đề thi mở như vậy thì không cần có đáp án chấm hoặc nếu có phải đưa ra một khung đáp án rất rộng đủ để bao quát được rất nhiều ý tưởng của TS. Tuy nhiên, nếu không có đáp án thì liệu việc chấm thi có đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng? Ngược lại, đề thi thì mở nhưng chấm thi lại phải theo một đáp án “đóng” thì sẽ không tránh khỏi thiệt thòi cho những TS có sáng tạo ngoài đáp án.

Lại còn một điều khó hơn là quy định về số từ. Liệu khi chấm có ai đếm được không và cho điểm như thế nào với yêu cầu này?!

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.