Học ngành gì ứng dụng công nghệ vào cuộc sống ?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
04/04/2021 07:05 GMT+7

Trong số gần 5.000 học sinh tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức, rất nhiều học sinh đã đặt những câu hỏi cụ thể, rõ ràng về những ngành học có thể ứng dụng vào cuộc sống.

 Chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường ĐH Đà Lạt (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) sáng qua 3.4, được truyền hình trực tuyến tại thanhnien.vn, qua trang fanpage Facebook và qua kênh YouTube, Tik Tok của Báo Thanh Niên.

Áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp ra sao ?

Nguyễn Thanh Nga, học sinh (HS) Trường THPT Phù Đổng, thắc mắc: “Công nghệ sinh học là một ngành ưu thế của Đà Lạt, vậy ngành này được đào tạo như thế nào?”. Bên cạnh đó, Nguyễn Thu Hà, HS Trường THPT Trần Phú, cũng băn khoăn: “Hiện tại em muốn học một ngành để có thể áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp trồng trọt, vậy nên học ngành công nghệ sinh học hay nông học?”.

Có nên chỉ chọn một nguyện vọng ?

Liên quan việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển tới đây, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân kể lại: “Tôi từng chứng kiến một thí sinh khóc rất nhiều vì 28 điểm mà rớt ĐH ở ngay đợt xét tuyển đầu tiên, chỉ vì em ấy đăng ký một ngành duy nhất ở một trường duy nhất. Vì thế tôi lưu ý các em khi đăng ký xét tuyển, không nên chủ quan chỉ chọn một nguyện vọng mà hãy đăng ký một số nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp để tăng cơ hội trúng tuyển và có thể vào được ngành, trường mà mình yêu thích”.
Giải đáp về thắc mắc này, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết ngành công nghệ sinh học hiện có rất nhiều trường ĐH đào tạo. Ngoài những khối lượng kiến thức chung thì mỗi trường sẽ có đặc thù riêng. “Khu vực TP.HCM sẽ khác với đặc thù ở Đà Lạt. Ví dụ rau, hoa củ là đặc trưng của vùng đất Tây nguyên nên ngành này tại Trường ĐH Đà Lạt tập trung vào thế mạnh đó. Khi theo học, sinh viên sẽ được tham gia cùng thầy cô làm các dự án liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt do tỉnh và các đơn vị bên ngoài đặt hàng”, tiến sĩ Duy chia sẻ.
Về việc nên học công nghệ sinh học hay nông học, tiến sĩ Duy đưa ra lời khuyên: “Nếu em muốn áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp trồng trọt thì nên chọn ngành nông học, vì trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ sinh học chỉ là một mảng có thể giúp tạo ra những giống mới, giống lai, giống ghép. Ngành nông học có rất nhiều chuyên ngành, bộ môn như bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, quy trình trồng trọt, nuôi cấy mô... Chúng ta có thể áp dụng công nghệ cao vào tất cả nhằm làm tăng năng suất sản lượng cây trồng. Thực tế ở Đà Lạt, công nghệ cao được áp dụng rất nhiều nhằm làm giảm sức lao động và tăng hiệu quả, ví dụ áp dụng nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động...”.
Trong khi đó, Huyền Nhi, HS Trường THPT Trần Phú, quan tâm ngành quản lý đất đai sẽ học những gì. “Em nghe được thông tin trong tương lai nhân lực ngành quản lý đất đai sẽ bị cắt giảm do công nghệ lên ngôi, không biết có đúng không? Sau này học xong em có làm về bất động sản được không?”, Huyền Nhi hỏi. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng ngành này ra làm bất động sản rất tốt. “Các em sẽ được học chung về luật quản lý hành chính nhà nước, quản lý đất đai, địa chất, địa hình đo đạc..., là những kiến thức rất cần thiết và thuận lợi cho công việc liên quan đến bất động sản. Công nghệ ngày nay chỉ hỗ trợ để giúp cho việc quản lý đất đai chính xác, hiệu quả do xử lý thông tin nhanh và tốt hơn chứ không thể thay thế được con người. Vì thế, các em vẫn có thể an tâm để theo đuổi ngành này”, tiến sĩ Nhân nhận định.

Trần Đức Lương (bìa trái), thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019, giao lưu với học sinh Đà Lạt

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được ưu tiên ?

Dương Thanh Hải, HS Trường THPT Đống Đa, muốn biết nếu có chứng chỉ IELTS thì việc xét tuyển ĐH có được ưu tiên gì không và tiếng Anh có quan trọng khi đi làm hay không. Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho rằng tiếng Anh rất quan trọng bên cạnh chuyên môn và kỹ năng mềm. Các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu ứng viên phải có ngoại ngữ, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Theo tiến sĩ Huy, nhiều trường ĐH hiện có chương trình đào tạo liên kết hoặc chuyên sâu để giúp người học có được trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các nhà tài trợ đã hỗ trợ để tổ chức thành công chương trình: Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, ĐH Đà Lạt, Công ty TNHH MTV XSKT Lâm Đồng, MobiFone Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng, Trung tâm kinh doanh VNPT Lâm Đồng, Ngân hàng Công thương chi nhánh Lâm Đồng. Các đơn vị trao học bổng: UBND TP.Đà Lạt, ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Công ty Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn.
Ở một góc độ khác, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận trong bối cảnh ngày nay ngoài tiếng Anh, nếu bạn trẻ biết thêm ngoại ngữ khác sẽ càng thuận lợi. “Về ưu tiên trong xét tuyển, hiện nay đề án tuyển sinh dự kiến của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ ưu tiên sử dụng IELTS cho HS trường chuyên. Tuy nhiên, nếu các em không có chứng chỉ IELTS thì vẫn có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức khác”, thạc sĩ Quốc chia sẻ.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Quốc, nếu có chứng chỉ ngoại ngữ thì khi đậu, người học có thể quy đổi để được miễn giảm học phần ngoại ngữ. Sinh viên giỏi ngoại ngữ thì công việc sau này cũng có nhiều lợi thế hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.