Học sinh cần thiết có nhiều bạn bè?

17/10/2017 19:22 GMT+7

'Có ít bạn, đứa trẻ có thể học giỏi. Nhưng trong tâm lý học, điều này thể hiện sự thiếu cân bằng trong đời sống một đứa trẻ', tiến sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần học Lương Cần Liêm - giảng viên ĐH Y Paris 5 (Pháp) nhắn nhủ.

Ông Lương Cần Liêm đã có buổi nói chuyện tại hội thảo bàn về sức khỏe tâm thần học đường do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 17.10

Trầm cảm nặng có thể dẫn đến tự sát

Tại hội thảo, một sinh viên ngành tâm lý học đã đặt vấn đề: “Trong một gia đình tốt thì có nguy cơ cho ra đời đứa trẻ có hành vi bạo lực hoặc gây ra nhưng hành động trái pháp luật không?”. Trong vai trò một bác sĩ tâm lý lâm sàn, tiến sĩ Lương Cần Liêm khẳng định: “Tôi không tin trong một gia đình đằm thắm lại cho ra đời một đứa trẻ quậy. Đứa trẻ quậy có thể xem là triệu chứng của một gia đình bất ổn”.

Tiến sĩ Lương Cần Liêm trao đổi với sinh viên Ảnh: Hà Ánh
 
Lý giải nhận định của mình, tiến sĩ Liêm cho rằng có những đứa trẻ không có khả năng nhận thức đúng về việc được làm và không được làm. Những trẻ này khi tiếp xúc nhiều với thế giới ảo (như game) sẽ không nhận thức rõ ràng ranh giới thực và ảo. Nếu chẳng may nghe người lớn nói “tao đánh chết mày”, với đứa trẻ sẽ là điều thực hiện được để từ đó gây ra những hành động bạo lực.

Theo tiến sĩ Lương Cần Liêm, trầm cảm có thể do sự thất vọng vì không đạt được ý tưởng của bản thân hoặc sự thất vọng của người khác lên bản thân mình. Khoảng cách giữa ý tưởng với thực tế càng xa sẽ càng gây bế tắc. Trong những tình cảnh này nếu không có giải pháp kịp thời, trẻ sẽ tìm đến lối thoát duy nhất là tự sát.

Cũng theo tiến sĩ Liêm, trầm cảm ở trẻ có thể do sự quan tâm của người lớn không có hoặc có nhưng không đúng với sự chờ đợi của đứa trẻ. Lấy ví dụ về trường hợp này, tiến sĩ Liêm nói cha mẹ có người quan niệm “roi vọt” nghiêm khắc là cách thương con. Nhưng đứa trẻ lại nhìn thấy cách thương khác mà cha mẹ dành cho bạn nên có thể đặt vấn đề gây nên mâu thuẫn tâm lý trong bản thân mình. Nỗi buồn không được giải thoát gây nên hành vi chống đối, hung hăng. Trong trường hợp đó nếu càng bị khiển trách, đứa trẻ sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của bệnh trầm cảm.

Cần giải quyết bằng tình thương

Trước chia sẻ của một sinh viên khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về trường hợp trầm cảm của em trai mình, tiến sĩ Lương Cần Liêm khuyên: “Trầm cảm ở trẻ em không giải quyết được bằng thuốc mà phải bằng tình thương. Vì đôi khi sự sẵn sàng trong tình thương của cha mẹ không đáp ứng đúng nhu cầu được yêu thương của con trẻ, 2 bên không gặp được nhau”. Tuy nhiên theo tiến sĩ Liêm, trong một số trường hợp cần thiết, việc điều trị căn bệnh này cũng cần có sự hỗ trợ bằng thuốc uống.

Cũng theo tiến sĩ Liêm, bệnh nhân không thể tự mình vượt qua bệnh trầm cảm. Trong trường hợp này, việc sử dụng ý chí, nghị lực để vượt qua là không thể. “Giải quyết bệnh này luôn cần có đối thoại để vượt qua vòng luẩn quẩn”, tiến sĩ Liêm nói.

Tiến sĩ tâm lý học Lương Cần Liêm còn nhắn nhủ, việc chăm sóc con quá mức có thể khiến một đứa trẻ mãi không trưởng thành, không tự tin để trở thành một thành viên của xã hội khi bước ra khỏi vòng tay cha mẹ. “Nếu sống trong một gia đình cha mẹ luôn làm thay mọi thứ thì khi bước ra xã hội đứa trẻ có thể phải đối mặt với nỗi sợ hãi càng lớn hơn. Do vậy cha mẹ cần thay đổi tư duy trong giáo dục con cái, chỉ nên lưu ý con cẩn thận chứ không tạo ra cảm giác sợ hãi”, ông Liêm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.