'Học sinh không cần theo quan điểm của tôi!'

29/06/2017 09:01 GMT+7

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả của đoạn trích trong phần Đọc hiểu đề thi môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đã có buổi nói chuyện với chủ đề “Sức mạnh của sự điềm tĩnh” tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngày 27.6.

Ông Giang cho biết: “Ý về “thấu cảm” nằm ở chương cuối của cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone, chương về lòng trắc ẩn. Đoạn này được tôi viết sau khi đi qua một loạt chương về sự lăng nhục, sự căm ghét trên mạng... Đây là chương tôi xây dựng về việc tôn trọng cá nhân con người, sự thấu cảm, lòng trắc ẩn”. Về việc dư luận đang tranh luận về từ “thấu cảm” trong đoạn trích, ông Giang cho biết: “Có nhiều từ trước đó ít được dùng, nhưng khi trở thành thông dụng thì lại rất bình thường. Từ “thấu cảm” tôi sử dụng từ “empathy” của tiếng Anh, đúng là không được dùng nhiều trong tiếng Việt. Từ này trong tiếng Anh cũng khá mờ. Chưa kể khi chuyển ngữ còn có độ vênh. Vì vậy, khi đọc từ này, nhiều người không đồng ý cũng rất bình thường. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, nên trước đó cũng có tra từ điển về từ này. Nghĩa của từ “thấu cảm” là thấu hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc. Họ đọc được cảm xúc, suy nghĩ của người khác, qua đó giúp đỡ mà không phán xét. Trong nội dung phần này khi viết, tôi cũng nghĩ đến từ “đồng cảm”. Nhưng tôi nghĩ dùng từ “thấu cảm” sẽ trúng hơn”.

Ông Giang cũng cho biết: “Tôi nghĩ cách chấm bài phần này nên mở để học sinh sáng tạo. Các em có thể đưa ra ý kiến, cách hiểu riêng. Các em không cần đi theo quan điểm của tôi. Miễn sao trình bày gãy gọn, có tư duy, không lòng vòng... Nếu quan điểm các em trình bày trái ngược với tôi mà được chấm điểm cao thì tôi rất quan tâm và mong gặp được học sinh đó”.
Đáp án môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố có ghi: “Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, lý giải hợp lý, thuyết phục về mối quan hệ giữa lòng trắc ẩn và sự thấu cảm”.

tin liên quan

Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng
Kết thúc kỳ thi, nhiều giáo viên dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH sẽ tăng so với năm trước do đề được đánh giá là khá dễ chịu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.