Học theo tổ hợp môn

03/11/2014 05:15 GMT+7

Các trường ĐH, CĐ có những đề án tuyển sinh riêng với những tổ hợp môn mới khiến các trường THPT cũng có kế hoạch dạy và học để học sinh đáp ứng được yêu cầu của các trường.


Học sinh lớp 12 năm nay sẽ ôn tập theo hướng các tổ hợp môn mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM), trường đã tổng hợp được khoảng 50 phương án tuyển sinh của các trường ĐH mà học sinh (HS) quan tâm, nắm hết các tổ hợp môn để có kế hoạch chuẩn bị. Hiện tại, các buổi sáng trường thực hiện chương trình chính khóa, buổi chiều học thời khóa biểu theo nguyện vọng của HS. “Mỗi ngành, mỗi trường ĐH có các tổ hợp môn khác nhau, vì vậy có thể HS có nhiều nguyện vọng. Trường sẽ sắp xếp làm sao đáp ứng trọn vẹn đăng ký ưu tiên 1 cho các em”.

Nhiều trường ở TP.HCM cũng có kế hoạch riêng phù hợp với những đổi mới của kỳ thi năm 2015. Ngoài theo phân phối chương trình của Bộ, Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình) thực hiện tăng tiết 8 môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh, lịch sử, địa lý. Thời khóa biểu xây dựng dàn đều 2 buổi/ngày từ thứ hai đến thứ sáu, riêng buổi sáng thứ bảy thực hiện bài kiểm tra khảo sát.

Bà Hoàng Thúy Liễu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) nhấn mạnh: “Với cách thức tổ hợp môn thi, tất cả các môn đều quan trọng vì nhiều trường ĐH, CĐ còn đánh giá quá trình học tập và xét học bạ. Vì thế HS không thể học lệch được”.

Còn ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6), thông tin: “Hiện nay, hầu như các trường THPT đều chọn một trong 2 phương án: Sau khi các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh, các trường cho HS đăng ký nguyện vọng ban đầu để có hướng tập trung vào việc ôn tập, “đánh” trọng điểm. Tuy nhiên, định hướng sớm như vậy sẽ dẫn đến việc HS không hứng thú với những môn học còn lại. Phương án 2 ưu việt hơn, vẫn tập trung hết 8 môn vì thời điểm này HS chưa có được quyết định cuối cùng. Những môn được các trường ĐH đưa vào tổ hợp, HS sẽ phải học hết. Làm như vậy cũng ổn cho việc xét học bạ và HS cũng chuyên tâm hơn”.

Ngoài những tổ hợp môn phổ biến dựa trên nền tảng khối thi truyền thống, một số trường ĐH, CĐ còn xét thêm các môn như công nghệ, tin học hoặc giáo dục công dân... Trước thực tế này, hầu hết lãnh đạo các trường THPT tại TP.HCM  đều khẳng định đã có yêu cầu giáo viên, HS không lơ là bất cứ môn học nào.

Ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9), đánh giá: “Từ trước đến giờ, với những môn học này HS không hào hứng, hầu hết giáo viên cũng không có sự đầu tư. Sự thay đổi này đòi hỏi sự cố gắng không chỉ của HS mà cả giáo viên. Người dạy có ý thức về môn của mình hơn. Đừng tự hạ thấp chuyên môn của mình”.

Còn bà Trần Thị Kim Quy, Hiệu phó Trường THPT Thanh Bình, Q.Tân Bình, khẳng định: “Nếu trường nào cần xét các môn năng khiếu về nhạc, trường cũng sẵn sàng. Hiện nay HS lớp 12 mỗi tuần học 1 tiết thanh nhạc với giảng viên của Nhạc viện TP.HCM. Đây là hoạt động ngoại khóa truyền thống của trường thực hiện từ lớp 6”.

Bích Thanh

>> Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến nhiều tổ hợp môn thi mới
>> Trường ĐH Cần Thơ xét tuyển 3 tổ hợp môn
>> Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển theo tổ hợp môn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.