Làm quen với học kỳ 3

19/07/2012 03:40 GMT+7

Thay vì chỉ học 2 học kỳ như trước đây và có một mùa hè khá dài thì nay, theo học chế tín chỉ, thời gian học co giãn và linh động hơn ở một số trường.

Trước lạ sau quen

Gần đây, nhiều sinh viên (SV) Trường ĐH Mở TP.HCM không khỏi xáo trộn khi năm nay không được nghỉ hè 2 tháng như trước nữa mà phải ở lại trường để đăng ký môn học cho học kỳ 3 như một học kỳ chính thức.

 Làm quen với học kỳ 3
SV năm 2 Trường ĐH Mở TP.HCM tham gia buổi học của học kỳ 3 - Ảnh: Minh Luân

Huy Chí, SV năm 2 ngành Anh văn cho biết: “Năm ngoái thì tụi em vẫn được nghỉ hè nhưng không hiểu sao năm nay tất cả mọi người phải ở lại đăng ký môn học. Em đã đăng ký 5 môn trong học kỳ 3 này”. Trong khi đó, Xuân Tuyến, SV năm 2 ngành tài chính ngân hàng thông tin: “Đây là thông báo mới của trường. Em cũng vẫn thắc mắc không biết lý do gì lại có thêm học kỳ 3 vì chưa nghe nhà trường giải thích. Tuy nhiên chia làm 3 học kỳ như vậy hình như sẽ giảm bớt áp lực cho các học kỳ tới”. Cùng là SV ngành tài chính ngân hàng, Thiên Trang chia sẻ: “Thay vì nghỉ hè 2 tháng giờ chỉ nghỉ hè 2 tuần, nên em cảm thấy hơi ngắn. Và việc học diễn ra liên tục quanh năm nên có thể sẽ phải nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, lúc đầu tụi em khá bất ngờ, cảm thấy bị xáo trộn và không hài lòng lắm nhưng giờ thì đã thấy thoải mái hơn”.

Hiện nay tại TP.HCM, ngoài Trường ĐH Mở còn có Trường ĐH Công nghiệp tổ chức 3 học kỳ/năm học.

Trải đều thời gian học tập

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Bắt đầu từ hè năm nay, chúng tôi tổ chức 3 học kỳ cho một năm học nhưng vẫn đảm bảo đúng thời lượng học là 10 tháng/năm và thời gian nghỉ là 8 tuần/năm. Chẳng hạn trước đây có 2 học kỳ thì mỗi học kỳ phải học 6 môn, bây giờ 3 học kỳ thì mỗi học kỳ chỉ phải học 4 môn. Tổ chức như vậy sẽ giúp các em giảm bớt thời lượng học liên tục kéo dài và giữa các kỳ học sẽ có thời gian nghỉ để SV hồi sức học tiếp”.

Ông Long nhấn mạnh, đây là một mô hình có nhiều ưu việt. Trường đã có sự chuẩn bị trong hơn một năm nay về bộ máy nhân sự cũng như xây dựng lại chương trình trước khi chính thức áp dụng. “Chúng tôi không những thông báo, giải thích trên website của trường, trên các bảng thông báo ở mỗi khoa mà còn giao cho khoa thông tin trực tiếp tới SV, nhưng do không phải em nào cũng sát sao quan tâm nên nhiều em không nắm được” - tiến sĩ Long giải thích.

Trong khi đó tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay: “Mặc dù có thay đổi từ 2 sang 3 học kỳ nhưng chúng tôi không gặp phải khó khăn gì, thậm chí còn có rất nhiều thuận lợi. SV không bị học dồn quá nhiều môn vào một học kỳ như trước đây. Việc đóng học phí cũng được giãn ra làm 3 đợt, gia đình các em sẽ nhẹ nhàng hơn. Bản thân SV cũng thích nghi rất nhanh”.

“Nhiều trường ĐH trên thế giới cũng đã tổ chức thành công mô hình 3 học kỳ. Quan trọng là quy trình, chi tiết tổ chức ra sao để mang lại nhiều lợi ích cho SV và đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhưng theo tôi điều này không ảnh hưởng gì tới SV, có thể nó cũng có nhiều ưu thế”. (Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

 “Phân ra thành 3 học kỳ thì số lượng môn học sẽ chia nhỏ, giảm áp lực cho SV. SV nào không đạt thì có cơ hội trả nợ nhanh hơn. Tôi nghĩ giảng viên cũng sẽ thích như vậy, vì có thể dạy liên tục sau đó được nghỉ một thời gian dài. Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số bất lợi như việc tổ chức thi cử trong mỗi học kỳ sẽ mất hết thời gian. Trước đây thay vì tổ chức thi 2 lần, mỗi năm SV sẽ chỉ mất khoảng 6 tuần để ôn thi và chờ kết quả, thì nay sẽ phải mất tới 9 tuần”. (Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang)

M.Q (ghi)

Mỹ Quyên

>> Phần mềm hỗ trợ đăng ký học tín chỉ
>> Tránh bị sốc khi học tín chỉ
>> Cách học tín chỉ hiệu quả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.