Làm sao để giảng viên đi học nước ngoài bằng ngân sách học xong sẽ trở về?

Quý Hiên
Quý Hiên
17/05/2021 07:31 GMT+7

Dư luận đang băn khoăn về việc nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách để gửi giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo tiến sĩ trong khi không có chế tài đủ mạnh buộc họ quay về nước.

Bà Nguyễn Thu Thủy (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, trả lời băn khoăn của dư luận về việc nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách để gửi giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo tiến sĩ trong khi không có chế tài đủ mạnh buộc họ quay về nước.

Trường phải có trách nhiệm quản lý, theo dõi

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH chuẩn bị cho việc thực hiện Đề án 89, đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên mà trong đó hơn 2/3 là gửi đi học nước ngoài?
Có thể nói Đề án 89 tiếp nối các đề án 322 và 911 do ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư tập trung vào đào tạo ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên (GV) các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Tuy nhiên, mục tiêu của Đề án 89 bám sát hơn nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ GV của các trường, đồng thời cơ chế quản lý triển khai đề án có thay đổi căn bản. Nhưng với các đề án 322, 911, Bộ trực tiếp tuyển chọn ứng viên, còn ở Đề án 89 thì cơ sở GDĐH sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo (với 3% đào tạo trong nước), trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa nhà nước và cơ sở đào tạo cử GV tham gia đề án, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng đề án.
Từ bài học thực tế qua triển khai Đề án 911, Bộ đang cùng các cơ sở GDĐH xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện việc triển khai đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của đề án nhằm tăng cường vai trò của các trường từ khâu đầu tiên là tuyển chọn đến việc gửi GV đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo (nếu có). Bộ sẽ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trường trong quá trình thực hiện.
GV được đi học theo kế hoạch nhân sự của trường, vì vậy trường phải có trách nhiệm quản lý, theo dõi tiến độ học tập hằng năm của GV. Trường cử GV đi đào tạo sẽ tự chủ, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển chọn ứng viên đáp ứng quy định theo hướng dẫn của Bộ và được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Bà Nguyễn Thu Thủy,  Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT

Nguyệt Hà

Bồi hoàn kinh phí với những chế tài đủ mạnh

Bộ sẽ quản lý và kiểm soát chất lượng như thế nào, thưa bà?
Cùng với việc ban hành thông tư về chuyên môn (xây dựng các tiêu chí của người ứng tuyển, tiêu chí dành cho cơ sở tham gia đào tạo trong khuôn khổ đề án, quy trình tuyển sinh và trách nhiệm của cơ sở cử đi, cơ sở tham gia đề án…), Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các trường về quản lý kinh phí do ngân sách nhà nước cấp dành cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong quá trình thực hiện đề án. Bộ cũng sẽ hoàn thiện một hệ thống dữ liệu về Đề án 89 (chi tiết đến từng cá nhân thụ hưởng theo từng cơ sở cử đi và tiếp nhận đào tạo) để nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát việc thực hiện đề án của các trường
Dư luận xã hội băn khoăn về việc trước đây có nhiều nghiên cứu sinh sau đi học nước ngoài không trở về nước, nhà nước cũng không lấy lại được tiền ngân sách. Vậy với Đề án 89 việc này có tái diễn?
Thực tế thực hiện Đề án 322 và Đề án 911, một số người học được thụ hưởng ngân sách nhà nước để đi học nhưng không quay về nước hoặc trở lại làm việc tại cơ quan cử đi. Theo quy định, những người này phải bồi hoàn kinh phí bao gồm học phí và sinh hoạt phí.
Tuy nhiên tỷ lệ bồi hoàn rất ít, và nếu nói đúng là chưa thực hiện được một cách có hiệu quả mặc dù đã có chế tài. Để khắc phục, hạn chế tối đa bất cập này, tại dự thảo thông tư hướng dẫn Đề án 89 (mà Bộ đang lấy ý kiến) đã giao quyền và trách nhiệm trong việc quyết định, lựa chọn và đảm bảo hiệu quả việc thực hiện.
Cụ thể là giao nhiệm vụ cho lãnh đạo cơ sở cử đi có quy định cụ thể về bồi hoàn kinh phí với những chế tài đủ mạnh để áp dụng đối với những trường hợp không thực hiện đúng yêu cầu. Đồng thời, Bộ cũng đã có quy định việc xét cấp kinh phí của năm tiếp theo phải trên cơ sở việc thực hiện Đề án 89 tại năm trước liền kề.
Mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên
Nội dung của Đề án 89 là nâng cao năng lực cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý, hướng tới các mục tiêu: đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% GV ĐH (trong đó 7% là đào tạo ở nước ngoài, 3% đào tạo trong nước); đào tạo để trên 80% GV thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên; bồi dưỡng kỹ năng quản trị ĐH cho GV là cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH…; có chính sách thu hút 1.500 nhà khoa học, những người có trình độ tiến sĩ về làm việc tại các cơ sở GDĐH của Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.